Nhóm tuổi thanh thiếu niên chứng tỏ bản thân bằng thuốc lá điện tử là vấn đề đáng báo động, cần được tuyên truyền và ngăn chặn.
Thuốc lá điện tử (TLĐT) là loại thuốc lá có chứa nhiều chất độc gây hại cho người sử dụng như hóa chất tạo mùi hương, kim loại và nicotine. Đặc biệt, đối tượng sử dụng TLĐT đa số ở nhóm tuổi thanh thiếu niên (từ 15 – 24 tuổi).
Phì phèo khói để chứng tỏ bản thân
L.T.Đ (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) khẳng định, hút TLĐT ngon hơn thuốc lá bình thường. Mùi thơm của TLĐT không gây khó chịu cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, Đ. thường nhờ bạn quay lại những đoạn clip ngắn hút thuốc và nhả khói để đăng lên các nền tảng mạng xã hội.
“Nhả khói trông rất ngầu, hưng phấn và không gây ảnh hưởng đến mọi người như mùi thuốc lá truyền thống thì tại sao lại phải cấm”, Đ. nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sản phẩm TLĐT và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma tuý, cần sa.
Việc thanh thiếu niên lầm tưởng TLĐT không gây độc cho cơ thể và không gây khó chịu cho mọi người xung quanh là điều hoàn toàn sai lầm vì mức độ nguy hiểm của TLĐT chẳng kém gì thuốc lá điếu thông thường.
Liên quan đến vấn đề độc hại của TLĐT, BS.CKI Rmah Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi – tỉnh Đắk Lắk – cho biết, TLĐT có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe. Khói thuốc có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng.
Bên cạnh đó, chất nicotine là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng bị phụ thuộc vào thuốc lá; có thể ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở thanh thiếu niên, thậm chí gây tổn thương bào thai. Nhiều loại TLĐT sử dụng hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT.
Sức khỏe sinh sản ảnh hưởng nghiêm trọng
Đồng quan điểm, BS Dương Thị Tú – Trưởng khoa Dân số – Truyền thông và giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, khẳng định, Nam giới bị giảm hoặc mất hoặc rối loạn cương dương, giảm tiết testosterone, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Nữ giới rối loạn kỳ kinh, giảm tiết estrogen, progesterone, ảnh hưởng buồng trứng, ảnh hưởng sự trưởng thành của noãn, giảm dòng máu đến buồng trứng.
Ngoài ra, khi dùng thuốc lá nhiều lần, nicotine có trong khói thuốc lá gây độc nhiều với tim mạch, hô hấp, giảm miễn dịch, giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm khả năng học, tăng sớm thoái hóa thần kinh thị giác, tổn thương cầu thận, hẹp mạch thận, suy thận.
“Với thai nhi gây chậm phát triển, thai lưu, thai ngoài tử cung, chậm phát triển trí tuệ ở thai nhi, tăng nguy cơ hen ở con khi sinh ra”, BS Tú cho hay.
Thực tế, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào đang được quản lý, không quy định cụ thể về các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại TLĐT được quảng cáo rộng rãi trên không gian mạng. Để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá.
Trường học và gia đình thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền, nghiêm cấm trẻ sử dụng TLĐT; tăng cường lồng ghép linh hoạt các hình thức tuyên truyền; tăng cường các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học.
Theo kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của WHO (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022), và kết quả sơ bộ nghiên cứu thực trạng sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh ở nhóm tuổi 13 – 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Lâm Ngọc