Qua 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hàng Việt giờ đã dần chiếm lĩnh được người tiêu dùng Việt. Để người Việt dùng hàng Việt, tự hào sản phẩm Việt, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng và cải thiện về giá thành.
Khẳng định vai trò quan trọng của thị trường nội địa
Đánh giá về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả tích cực như: Duy trì và tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước (hàng Việt Nam hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại); doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước…
Tại chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Cuộc vận động được Bộ Chính trị phát động, triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cũng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước đồng thời cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn…
15 năm qua, Bộ Công Thương luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, nghiên cứu, tham mưu bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường; chú trọng phát triển thương mại điện tử, hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu thông tin, Cuộc vận động được triển khai từ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý thích hàng ngoại, sử dụng hàng nhập khẩu, dẫn đến các ngành sản xuất nội địa gặp rất nhiều khó khăn, làm giảm sức mạnh nguồn lực tài chính quốc gia.
Do đó, mục tiêu của Cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Cần chiến lược phát triển mới
Sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động, hầu hết các ý kiến đưa ra đều cho rằng, Cuộc vận động cần có một chiến lược mới, một sự thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho rằng: “Với những dự báo cho thời gian tới, chúng ta cần thực sự mạnh dạn, quyết liệt thay đổi phương thức triển khai thực hiện để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn gắn với tình hình mới của đất nước và xu thế phát triển của toàn cầu”.
Theo đó, bà Châu đề nghị, doanh nghiệp và các nhà sản xuất phải tiếp tục quan tâm cải tiến về kỹ thuật, năng lực sản xuất, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh để hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dùng cũng như đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế pháp lý, chính sách quản lý để vừa tạo môi trường thông thoáng, sản xuất, kinh doanh công bằng và lành mạnh; vừa bảo đảm những quy định của các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia để hàng hóa, dịch vụ ngày càng được lan tỏa đến tận tay người tiêu dùng, cũng như đến bạn bè các nước trên thế giới. Rà soát, nghiên cứu tình hình thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để kết quả thực hiện Cuộc vận động được toàn diện hơn nữa, cần nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động; Đồng thời nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do.
Đỗ Đạt