Theo quy định tại Thông tư 01 năm 2024 của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh khi tỷ lệ thôi học năm nhất cao hơn 15%.
Đây là cách để các trường bảo đảm chất lượng đầu vào trong tuyển sinh hằng năm.
101 lý do sinh viên “rơi rụng”
Tháng 9/2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) có thông báo của Hội đồng xử lý kết quả học tập học kỳ II năm học 2023 – 2024. Theo đó, 99 trường hợp sinh viên các khóa từ 2017 đến 2023 bị buộc thôi học.
Trong số này, có 68 sinh viên các khóa từ 2020 – 2023, 19 sinh viên các khóa từ 2017 đến 2019 và 12 trường hợp khác là sinh viên trình độ cao đẳng các khóa từ 2014 – 2019. Ngoài ra, hơn 200 trường hợp sinh viên khác bị cảnh báo học tập. Các sinh viên này đều có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1.0
Tiếp đó, tháng 10 vừa qua, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) có thông báo gần 80 sinh viên các khóa tuyển sinh từ năm 2020 đến 2023 bị buộc thôi học.
Trong số này, có 40 sinh viên thuộc khoa Khoa học máy tính, 18 sinh viên khoa Kinh tế số và thương mại điện tử và 19 sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính và điện tử. Những sinh viên này đều không đăng ký tín chỉ tại học kỳ I năm học 2024 – 2025, trong đó nhiều em không trở lại học sau khi hết thời hạn nghỉ học tạm thời.
Tỷ lệ sinh viên thôi học của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) biến động theo từng ngành học. Có ngành chưa đến 5% nhưng có ngành lên đến 20 – 25%. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên thôi học ở Trường Đại học Kinh tế Nghệ An khoảng 16 – 17%, riêng đối với năm thứ nhất ở mức 17%.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sinh viên thôi học ngay ở năm đầu tiên do chọn sai ngành. Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như hoàn cảnh gia đình, khả năng học tập của sinh viên không đáp ứng được yêu cầu chương trình đào tạo…
PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, thường sinh viên nghỉ học hay rơi vào năm thứ nhất. “Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên thôi học của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) dưới 3%. Tuy nhiên, sẽ có một số ngành, chương trình đào tạo mang tính chất quốc tế hóa thì tỷ lệ sinh viên thôi học có thể cao hơn, tùy vào việc người học đáp ứng các điều kiện của trường tiếp nhận ở nước ngoài”.
Vì vậy, trong tính toán tỷ lệ sinh viên thôi học, cần tính đến trường hợp đặc thù. Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, lý do nghỉ bởi không phù hợp ngành học, không đủ sức để theo học thì khác nhưng do chuyển đổi ngành học, dừng học để đi du học lại khác.
“Thắp lửa” cho người học
Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Tiêu chí 5.2 của Tiêu chuẩn 5 – Tuyển sinh và đào tạo thuộc Thông tư 01 năm 2024 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%” là một yếu tố để kiểm soát chất lượng đào tạo.
“Với tiêu chí này, các trường đại học buộc phải tính đến hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học. Nếu trường đại học có tỷ lệ sinh viên thôi học vượt quá quy định thì không đạt tiêu chí, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng. 15% sinh viên năm thứ nhất buộc thôi học là con số rất lớn nên quy định này phù hợp, ràng buộc các trường phải xây dựng biện pháp hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập, cả về phương pháp học tập, chế độ học bổng…”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết.
Có cùng quan điểm này, ThS Nguyễn Vinh San – Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, quy định khống chế về tỷ lệ sinh viên thôi học của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT hướng tới cam kết của trường đại học về chất lượng là hợp lý. Các cơ sở giáo dục đại học không thể bàn về việc thiệt thòi hay không khi quy định này gắn liền với việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở năm học kế tiếp.
Theo ThS Nguyễn Vinh San, để giảm tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất buộc thôi học, các trường đại học phải có giải pháp hỗ trợ người học khi mới vào trường về phương pháp học tập.
Trong Tuần sinh hoạt công dân đầu khoá, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) dành một thời lượng đáng kể để định hướng và hướng dẫn cho tân sinh viên về học tập và sinh hoạt ở môi trường đại học, giúp các em làm quen và thích nghi với môi trường mới. Ngoài ra, các khoa chuyên môn tiếp tục gặp gỡ hướng dẫn, cử giảng viên chủ nhiệm tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên.
“Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập là tư vấn các vấn đề mà sinh viên vướng phải trong học tập và đời sống. Trọng tâm là tư vấn lộ trình học tập phù hợp với mỗi em.
Chẳng hạn như đa phần sinh viên học trong 4 năm rồi tốt nghiệp nhưng có em muốn rút ngắn thời gian học còn 3,5 năm hoặc có sinh viên yếu hơn thì 5 năm, giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập sẽ hỗ trợ tư vấn trong đăng ký số tín chỉ của mỗi học kỳ để sinh viên có thể đạt được”, ThS Nguyễn Vinh San phân tích.
Để hỗ trợ sinh viên cải thiện kết quả học tập, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) triển khai mô hình sinh viên hỗ trợ học tập ở một số môn học có số lượng sinh viên nợ môn nhiều. Những sinh viên được lựa chọn phải có kết quả học tập tốt, có khả năng truyền đạt.
Lịch hỗ trợ học tập của từng môn học, phòng học đều được thông báo sớm trên các kênh thông tin để sinh viên được biết. Các cố vấn học tập sẽ có mặt tại phòng học đó trong suốt buổi hỗ trợ để có thể giải đáp thắc mắc từ bài tập, lý thuyết hay kinh nghiệm học tập bộ môn, làm bài tập nhóm… cho những sinh viên có nhu cầu.
Như học kỳ I của năm học 2023 – 2024, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tuyển chọn 6 sinh viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ học tập cho các học phần Vật lý 1&2, Giải tích 1, Xác suất thống kê, Hóa đại cương và Anh văn A2.1&2.2. Sau mỗi phiên trao đổi, sinh viên được hỗ trợ sẽ tham gia đánh giá chất lượng cố vấn học tập bằng cách quét QR Code được bố trí tại phòng nhằm góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động hỗ trợ học tập.
Từng tham gia làm sinh viên hỗ trợ học tập ở môn Sức bền vật liệu, sinh viên Nguyễn Đắc Hoàng Long – Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận xét: “Một số nội dung kiến thức các bạn hỏi đến đã được thầy cô truyền đạt, nhưng các bạn không chú ý, dẫn đến nhiều chỗ kiến thức bị mất đi nên rất khó để bù đắp hết lỗ hổng kiến thức đó. Trong quá trình đó, em và các bạn đã nỗ lực hết sức để có thể củng cố kiến thức nhằm có một bài thi cuối kỳ đạt điểm tốt hơn”.
ThS Nguyễn Vinh San – Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, thực tiễn không có trường nào nâng điểm để giảm số sinh viên yếu kém nhằm giữ tỷ lệ theo học.
Khi sinh viên không bảo đảm chất lượng để học tập thì nên cho thôi học để chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp hơn. Sinh viên thôi học thì trống chỗ cho khoá sau, tức là trường có thể bổ sung chỉ tiêu vào chỗ trống đó. Thế nên không quá lo lắng đến tình huống các trường đại học nâng điểm cho sinh viên yếu khỏi bị đuổi học, mà chỉ có trường hợp các trường nâng điểm để sinh viên cạnh tranh việc làm thôi.
Hà Nguyên