Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Việc sửa đổi Luật Quảng cáo cần cập nhật nhanh chóng tình hình phát triển công nghệ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn vận hành của các nền tảng trên không gian mạng.
Tăng cường giám sát người nổi tiếng, KOLS…
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng dự án luật nhằm phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo của Trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Bên cạnh đó, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Bộ trưởng nêu rõ, dự án luật yêu cầu nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, dự án luật sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.
Đồng thời, dự án luật bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…
Đồng thời, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dự luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung. Dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.
“Bịt” lỗ hổng quảng cáo trên mạng
Tham gia góp ý cụ thể về hành vi nghiêm cấm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Quân (đoàn Hậu Giang) cho rằng, các trang thông tin điện tử đã có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ không được tồn tại chứ chưa nói đến việc có thể thu hút quảng cáo. Do đó, đại biểu đề nghị, cần xem xét chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đề nghị cần chuyển đổi tư duy xin – cho sang tư duy hậu kiểm, công nhận và chứng nhận, đại biểu Nguyễn Văn Quân cho rằng, luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
“Luật sửa đổi cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm.
Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trường hợp nêu trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.
Đóng góp ý kiến về dự luật sửa đổi, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, khoản 11, Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp…”.
Để hài hòa lợi ích giữa người dùng và doanh nghiệp quảng cáo, đại biểu đề nghị có thể để thị trường tự quyết định mức thời lượng quảng cáo này hoặc điều chỉnh lại quy định như sau: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; trong thời gian không quá 10 giây (hoặc 15 giây) kể từ khi bắt đầu quảng cáo; không quảng cáo quá 2 lần liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Bảo Hân