Ngày 12/11/2024, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, với dầu WTI giảm 3,17% xuống còn 68,16 USD/thùng và dầu Brent giảm 2,61% còn 71,94 USD/thùng. Sự sụt giảm này được cho là bắt nguồn từ kế hoạch kích thích kinh tế mới của Trung Quốc không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, khiến nhu cầu dầu từ quốc gia tiêu thụ lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu suy yếu. Thêm vào đó, dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm 2025 càng gây áp lực lớn lên giá dầu.
Ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 12/11/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 68,16 USD/thùng, giảm 3,17% (tương đương giảm 2,23 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 71,94 USD/thùng, giảm 2,61% (tương đương giảm 1,93 USD/thùng).
Các nhà phân tích cho biết kỳ vọng vào các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc nhằm tăng trưởng nhu cầu năng lượng đã không đạt được kết quả như mong đợi. Điều này khiến các nhà đầu tư tỏ ra bi quan về mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc, làm giảm nhu cầu toàn cầu. Bank of America dự báo rằng sản lượng dầu từ các nguồn ngoài OPEC sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2025, và thêm 900.000 thùng/ngày vào năm 2026. Sự gia tăng nguồn cung này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng tồn kho, đặc biệt khi Trung Quốc không gia tăng nhu cầu như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, OPEC+ cũng dự kiến sẽ bổ sung nguồn cung dầu từ tháng 1/2025, thay vì tăng thêm 180.000 thùng/ngày trong tháng 12 như kế hoạch trước đó. Việc trì hoãn tăng sản lượng là một trong những biện pháp của OPEC+ để ngăn chặn sự sụt giảm giá dầu quá sâu, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về chính sách lâu dài từ tổ chức này.
Đồng USD tiếp tục mạnh lên kể từ sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây. USD mạnh khiến dầu và các hàng hóa được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ các đồng tiền khác, góp phần gây áp lực giảm giá dầu. Chỉ số USD tăng nhẹ sau bầu cử và thị trường vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu cụ thể hơn từ chính quyền Mỹ về chính sách tương lai, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi
Ở Hoa Kỳ, cơn bão Rafael cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất dầu thô, khi cơ quan quản lý sản xuất ngoài khơi báo cáo 25,7% sản lượng dầu thô và 13% sản lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Mexico vẫn bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, cơn bão đã tan vào thứ Hai và hoạt động sản xuất đang dần trở lại, giúp giảm bớt một phần tác động từ nguồn cung bị hạn chế trong thời gian qua.
Với các yếu tố này, giá dầu hiện tại có thể tiếp tục biến động, tùy thuộc vào các yếu tố chính sách từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, và nguồn cung từ OPEC+ trong thời gian tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12/11/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 7/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 336 đồng/lít, lên mức 19.744 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 351 đồng/lít, lên mức 20.854 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S: Tăng 769 đồng/lít, ở mức 18.917 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 461 đồng/lít, ở mức 19.294 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 67 đồng/kg, xuống còn 16.394 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này Liên bộ Công Thương – Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 44 phiên điều chỉnh, trong đó có 21 phiên giảm, 18 phiên tăng và 6 phiên trái chiều.
Quốc Nam (th)