Hằng năm, cứ vào cuối tháng 10 (cuối Thu) đến tháng 12, là dịp hoa dã quỳ ở các tỉnh Tây Nguyên nở tung với màu vàng tươi, nhuỵ căng tròn trên cành lá xanh.
Những ngày này, chúng tôi có dịp đi trên tuyến Quốc lộ 27 từ Khánh Hoà lên Lâm Đồng, Quốc lộ 14 từ Đà Nẵng đi Kon Tum rồi ngược lên Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông; đâu đâu cũng được chứng kiến những khóm hoa dã quỳ khoe sắc rực rỡ ven đường, len lỏi trong sân vườn nhà ngoại ô hay núp dưới tán cây thông, bạch đàn trên những ngọn đồi núi; tạo thành bức tranh tươi thắm cho vùng đất Tây Nguyên, đưa đẩy những cơn mưa cuối cùng trong năm để bước vào mùa nắng khô…
Chuyện xưa kể rằng, có chàng trai Lang giỏi giang, đẹp mã đem lòng yêu say đắm cô gái Biang xinh đẹp, hiền hậu ở bản làng bên cạnh và họ luôn đắm đuối bên nhau, hứa hẹn sẽ không bao giờ rời nhau.
Tuy nhiên, do hủ tục lạc hậu giữa hai bộ tộc trên cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt, Lâm Đồng) nghiêm cấm tất cả trai gái đôi bên không được lấy nhau. Vì thế, khi bị phát hiện hẹn hò, thắm thiết bên nhau; đôi trai gái đã chấp nhận cái chết để tỏ lòng thuỷ chung, son sắc.
Sau đó, hai vị tù trưởng hai bộ tộc này được trời báo mộng đừng vì hận thù vô lý mà giết chết những đôi tình nhân như thế, hãy nhanh chóng xóa bỏ lời nguyện khủng khiếp ấy đi.
Ngay sau đó, dân làng làm lễ mai táng đôi trai gái trẻ trên ngọn núi Lang Biang và xoá bỏ hủ tục cũ, cho phép trai gái các bộ tộc được lấy nhau.
Mùa khô năm sau, cạnh ngôi mộ ấy mọc lên một loài hoa lạ lẫm nhưng thắm màu vàng tươi và được dân làng đặt tên là hoa dã quỳ.
Từ đó, cây dã quỳ nhanh chóng loan toả, khoe sắc khắp nơi trên triền đồi, ven đường, sân vườn trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên; như một loài hoa đặc trưng cho xứ sở đất Ba Zan.
Mùa này, du khách khắp nơi tìm về Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum thưởng ngoạn, check in cùng hoa dã quỳ đang đua nhau nở.
Để thu hút đông đảo khách du lịch, từ ngày 6 – 12/11, tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Tuần lễ hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đang Ya năm 2024”, tại làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh.
Thông qua “Tuần lễ hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đang Ya năm 2024”, Gia Lai tiếp tục giới thiệu hình ảnh hoa dã quỳ gắn với núi lửa Chư Đang Ya, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietking bình chọn top 10 điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh. Đặc biệt, Chư Đang Ya được công nhận là 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới, do một tạp chí ở Anh quốc bình chọn vào năm 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn có sự chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức cùng nhau giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường; cùng nhau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển Gia Lai giàu mạnh, xây dựng cao nguyên xanh vì sức khỏe…
Sau chương trình khai mạc, trọng điểm hoạt động của Tuần lễ hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 tập trung trong 3 ngày (từ 8 đến 10/11), với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn như:
Trình diễn cồng chiêng, múa dân gian, không gian trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số…
Phục dựng nghi lễ mừng lúa mới của người Jrai, trình diễn giã gạo chày đôi, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng tỉnh Gia Lai, trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh về văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, trình diễn trang phục các dân tộc, hội thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống…; diễn ra tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh.
Riêng hội thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya với nội dung chạy bộ và leo núi diễn ra tại núi lửa Chư Đang Ya, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh.
Ngoài ra, còn có giải Half Marathon 2024 “Đánh thức vùng quê Chư Păh – Hành trình kết nối Núi và Hoa” tại khu vực hàng thông trăm tuổi, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.
Trời Tây Nguyên bừng nắng ấm, các khóm hoa dã quỳ như được dịp khoe sắc, lung linh trong gió…
Ngọc Phó