Thời điểm giao mùa được xem là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút gây bệnh phát triển, tác động trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em có hệ miễn dịch kém. Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Số ca nhập viện tăng
Hơn 1 tháng nay, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu như phòng bệnh nào cũng chật kín bệnh nhi, nhiều nhất là trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Theo các bác sĩ, mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị từ 200 đến 230 ca bệnh, trong đó có 50 – 70 ca mới nhập viện (tăng gần gấp đôi so với những tháng trước), trong khi khoa chỉ có 175 giường, không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì thế, nhiều bệnh nhi phải nằm ghép đôi.
Trong số các ca nhập viện, chiếm gần 50% là trẻ mắc bệnh về hô hấp. Khoa Nhi cũng ghi nhận số ca nghi mắc bệnh sởi tăng cao so với mọi năm, trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 15 trẻ. Điều đáng nói, hầu hết số ca trên đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi. Kiến thức về phòng, chống bệnh của nhiều phụ huynh còn hạn chế khi nhầm lẫn các dấu hiệu mắc sởi với nhiều bệnh khác. Do vậy, nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng diễn biến khá nặng. Tất cả các ca nghi mắc bệnh sởi đều được Khoa Nhi bố trí phòng, giường bệnh riêng để theo dõi và điều trị, tránh lây nhiễm chéo cho các trẻ khác. Chị Phan Hà Ái Vy (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho biết: “Con tôi chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào. 3 ngày trước bé sốt, rồi nổi các nốt hột trên người, tôi cứ nghĩ bé bị côn trùng đốt. Khi các nốt nổi nhiều, tôi lo quá nên đưa bé vào bệnh viện điều trị”. Theo chị Nguyễn Thị Đoan Trang (phường Phước Long, TP. Nha Trang), con chị 30 tháng tuổi, sốt 2 ngày, gia đình cứ nghĩ bé bị sốt thông thường nên đưa đi khám phòng mạch tư nhân. Khi thấy bé không đỡ, chị mới đưa bé vào bệnh viện. Qua khám, bé được chẩn đoán viêm phế quản cấp diễn biến nặng nên phải nhập viện điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, so với 3 năm trước, ý thức của nhiều phụ huynh đã được nâng cao nên trẻ được đưa vào bệnh viện sớm. Nhờ đó, số ca chuyển biến nặng không nhiều, chiếm khoảng 7% tổng số ca mắc, giảm gần gấp 2 lần so với những năm trước.
Không tự ý điều trị tại nhà cho trẻ
Tại các cơ sở y tế, bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh, trẻ đến khám và điều trị các bệnh thời điểm giao mùa cũng tăng cao. Số trẻ nhập viện điều trị nội trú tăng từ 40 – 60% so với các thời điểm khác trong năm, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… Bác sĩ Võ Công Tuận – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang cho biết: “Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút gây bệnh phát triển. Cùng với đó, những năm trước, dịch Covid-19 xảy ra, các bé không được tiêm ngừa vắc xin đúng lịch nên hệ miễn dịch bị giảm, do đó tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng lên. Những ngày này, số lượng bệnh nhi điều trị tại khoa tăng gấp rưỡi so với tháng trước”.
Bên cạnh trẻ mắc các bệnh lý hô hấp, nghi sởi, có nhiều trẻ khi vào bệnh viện khám mắc cùng một lúc nhiều bệnh, hầu hết đều có các triệu chứng sốt, mệt mỏi, nôn ói. Nhóm triệu chứng này nằm trong bệnh cảnh của nhiều bệnh khác, do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời đúng bệnh, đúng triệu chứng; không tự mua kháng sinh điều trị tại nhà, lâu ngày gây kháng thuốc, biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho biết: “Những tháng cuối năm, trời hay trở lạnh, mưa đột ngột, sức đề kháng của trẻ chưa cao nên dễ bị mắc bệnh. Thời gian này, trẻ mắc các bệnh viêm họng cấp, viêm mũi – họng cấp, viêm phế quản cấp, viêm phổi nhập viện được ghi nhận nhiều nhất. Những bệnh này nếu không được xử lý kịp thời dễ chuyển biến nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bởi vậy, mùa này, phụ huynh phải lưu ý giữ ấm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ”.
Bên cạnh đó, hiện nay, các bệnh thường gặp ở trẻ như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang gia tăng trên địa bàn tỉnh. Do đó, phụ huynh cần chú ý những biện pháp phòng bệnh cho trẻ, tránh để xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh. Biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất là tiêm vắc xin theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tăng cường chế độ dinh dưỡng, khi trẻ bệnh nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn, đưa ra phương pháp điều trị đúng.
C.Đan