Xuất hiện yêu cầu phân tích thí nghiệm, ứng dụng thực tế của vật lí đòi hỏi thầy trò phải thay đổi phương pháp dạy-học để làm tốt bài thi này.
Đa dạng hóa dạng bài, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức
Nhóm giáo viên Vật lí, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) nhận định, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Vật lí có nhiều thay đổi đáng chú ý cả về nội dung và hình thức, với mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.
Về phân bổ nội dung kiến thức, kiến thức trọng tâm vẫn giữ nguyên như các năm trước, phần lớn câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, tập trung cả vào 4 chương: Vật lí nhiệt, Khí lí tưởng, Từ trường, Vật lí hạt nhân. Những chương này chiếm tỷ trọng lớn vào khoảng trên 80%.
Phần kiến thức lớp 10, 11: Gồm 3 câu thuộc phần I – trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng đủ để kiểm tra kiến thức cơ bản về nội dung chương trình và ở mức độ nhận biết.
Việc lồng ghép kiến thức lớp 10, 11 giúp đề trở nên toàn diện hơn và kiểm tra được khả năng nhớ kiến thức tổng hợp của học sinh.
Tỷ lệ câu hỏi theo mức độ nhận thức gồm 50% câu hỏi cơ bản. Những câu hỏi này tập trung vào lý thuyết và các dạng bài tập đơn giản, giúp học sinh trung bình có thể hoàn thành một cách dễ dàng. Đây là các câu hỏi liên quan đến việc nhớ và hiểu các khái niệm, định luật vật lí, thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu.
50% câu hỏi phân loại, vận dụng trong các tình huống cụ thể. Những câu hỏi này yêu cầu học sinh có tư duy vận dụng, vận dụng cao, đọc đề, hiểu đề và phân tích đề, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Với kiểu bài này, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức hàn lâm mà năng lực giải quyết vấn đề trong các tình huống thực tế cũng phải tốt. Nội dung kiến thức phần này tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.
Về dạng bài, các câu hỏi lý thuyết chiếm 40%. Một số câu hỏi yêu cầu nắm vững lý thuyết, như câu hỏi về định nghĩa, định luật, hiện tượng vật lí. Điều này phù hợp với định hướng mới, khuyến khích học sinh hiểu sâu về bản chất vật lí thay vì chỉ áp dụng công thức đơn thuần.
Câu hỏi về thí nghiệm và ứng dụng: Đây là điểm mới trong cấu trúc đề, khi các bài yêu cầu phân tích thí nghiệm hoặc các ứng dụng thực tế của vật lí. Điều này giúp đánh giá kỹ năng thực hành và khả năng liên hệ kiến thức với đời sống.
Đề tham khảo không có nhiều câu hỏi khó về mặt kiến thức, nhưng có nhiều câu hỏi thực tế. Đề cũng tương đối dài, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy logic và phân tích, tổng hợp kiến thức trong thực tế, đặc biệt ở các đơn vị kiến thức thuộc chương trình lớp 12. Những câu hỏi này có tính chất phân loại cao, giúp nhận biết rõ ràng giữa các mức độ học sinh khác nhau.
Các câu hỏi yêu cầu thời gian giải dài, đặc biệt ở các bài toán đúng – sai, đòi hỏi có kỹ năng tính toán tốt, kết nối giữa các câu. Xuất hiện những câu hỏi chùm, đòi hỏi khả năng tổng hợp kiến thức tốt ở học sinh.
Chú trọng kỹ năng đọc hiểu, thực hành, phân tích và giải quyết vấn đề
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) phân tích ma trận đề tham khảo môn Vật lí như sau:
Phần 1. Trắc nghiệm một phương án ( 18 câu hỏi – 4,5 điểm) | |||||||
Lớp 10 | Lớp 11 | Lớp 12 | Tổng | ||||
Chương 1 | Chương 2 | Chương 3 | Chương 4 | ||||
Nhận biết | 1 | 2 | 1 | 1 | 2 | 2 | 9 |
Thông hiểu | 0 | 0 | 1 | 2 | 2 | 1 | 6 |
Vận dụng | 0 | 0 | 1 | 1 | 1 | 0 | 3 |
Tổng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 3 | 18 |
Phần 2. Trắc nghiệm đúng sai ( 4 câu hỏi – 4 điểm) | |||||||
Số câu hỏi | Lớp 10 | Lớp 11 | Lớp 12 | ||||
Chương 1 | Chương 2 | Chương 3 | Chương 4 | Tổng | |||
0 | 0 | 1 | 1 | 1 | 1 | 4 | |
Phần 3. Trắc nghiệm trả lời ngắn ( 6 câu hỏi – 1,5 điểm) | |||||||
Số câu hỏi | Lớp 10 | Lớp 11 | Lớp 12 | ||||
Chương 1 | Chương 2 | Chương 3 | Chương 4 | Tổng | |||
0 | 0 | 0 | 2 | 2 | 2 | 6 |
Ở phần 1, các câu hỏi chủ yếu lớp 12 (16 câu); chỉ có 1 câu lớp 10; 2 câu lớp 11. Các câu hỏi tập trung chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chỉ có 3 câu hỏi tính toán ở mức độ vừa phải
Phần 2, cả 4 câu hỏi đều thuộc chương trình Vật lí 12, lồng ghép các kiến thức vào trong những hiện tượng và ứng dụng thực tế, có đi kèm hình ảnh mô tả thí nghiệm cụ thể. Các ý trong từng câu hỏi xen lẫn cả lý thuyết và tính toán. Đặc biệt phạm vi lý thuyết hỏi đến cả các bước thực hành thí nghiệm, có một câu hỏi hoàn toàn lý thuyết
Phần câu hỏi này đi sâu vào kiến thức thông hiểu bản chất vật lí kèm theo cách tính điểm mới, loại bỏ tính may rủi, đòi hỏi học sinh hiểu bản chất và có tư duy mức khá trở lên mới có thể đạt điểm trọn vẹn
Các ý tính toán của phần này ở mức vận dụng không quá khó. Đặc biệt, câu 2 phần này có đề cập tới lực Lorenzt và công thức tính. Đây là phần kiến thức không có trong các bộ sách nhưng hoàn toàn có thể lồng ghép vào đề thi.
Phần 3 tập trung vào tính toán thuộc nội dung kiến thức lớp 12, các câu hỏi được đưa theo dạng câu chùm (2 câu hỏi cùng về 1 chủ đề và sử dụng dữ kiện chung).
Phần làm tròn của các câu hỏi trả lời ngắn, thay vì hỏi là làm tròn kết quả đến x chữ số có nghĩa như đề minh họa trước, đề tham khảo lần này hỏi làm tròn kết quả đến chữ số hàng đơn vị, hàng phần mười.
Nhận xét tổng quát, cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng, đề tham khảo tập trung chủ yếu nội dung Vật lí 12 (trên 90%). Tuy nhiên, để có thể có năng lực làm bài tốt và đạt điểm cao, học sinh cần nắm chắc các kiến thức, kỹ năng đã học ở môn Khoa học tự nhiên cấp THCS và kiến thức Vật lí 10, 11.
Nội dung câu hỏi chú trọng kỹ năng đọc hiểu, phân tích và giải quyết vấn đề, các kĩ năng liên quan đến thực hành, thí nghiệm. Các câu hỏi trong đề thi đều được gắn với các bối cảnh có liên quan đến thực tiễn, ứng dụng của vật lí trong đời sống, khoa học và công nghệ.
Như vậy, với định hướng mới của đề thi, học sinh cần thay đổi phương pháp học tập, tập trung ôn tập theo hướng hiểu bản chất vật lí, gắn vật lí với các yếu tố thực tiễn, ứng dụng. Học sinh rèn luyện khả năng tư duy, lập luận và khả năng giải quyết vấn đề để sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Hải Bình