Hôm nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã giảm, nước rút dần, các địa phương đang lên kế hoạch tiếp nhận hàng hóa cứu trợ, chuyển kịp thời đến người dân vùng bị cô lập.
32.885 ngôi nhà bị ngập lụt
Trưa 29/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho hay, tính đến nay, toàn tỉnh vẫn có 32.885 nhà dân bị ngập lụt. Nặng nhất tại huyện Lệ Thủy với 19.762 nhà (8.018 nhà bị ngập trên 1m), huyện Quảng Ninh 12.123 nhà, thành phố Đồng Hới 1.000 nhà. 58 thôn, bản bị chia cắt. Các tuyến đường giao thông bị ngập tại 43 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển.
Mưa lũ đã làm cho 1 người chết và 2 người mất tích, hơn 230ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền các địa phương đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu. Ngoài ra, các địa phương cũng sơ tán tại chỗ 9.123 hộ, trong đó, huyện Lệ Thủy 8.018 hộ, huyện Quảng Ninh 1.105 hộ…
Hàng cứu trợ bắt đầu vào vùng ‘rốn lũ’
Trong đợt lũ này, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là địa phương bị ngập nặng nhất với 19.762 nhà bị ngập, trong đó hơn 8.000 nhà ngập trên 1m. Hiện mưa đã giảm, nước rút dần, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng, đơn vị lên kế hoạch tiếp nhận hàng hóa cứu trợ và bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt.
Ngày 29/10, thông tin từ UBND huyện Lệ Thủy cho hay, huyện đã thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại 2 khu vực là ngã tư Cam Liên, QL1A (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy). Sau đó, những nhu yếu phẩm của các đoàn cứu trợ sẽ được tiếp nhận để vận chuyển vào tiếp tế cho người dân bằng thuyền của ngư dân vùng biển. Hiện nước lũ trên sông Kiến Giang đang xuống chậm, mực nước lúc 7 giờ là 4,01m, so với đỉnh lũ 4,16m.
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương đã huy động 10 thuyền của ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt.
Trước mắt, sẽ huy động 3 thuyền của ngư dân có kinh nghiệm để tham gia hỗ trợ cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế, huyện Lệ Thủy sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020.
Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ
Sáng 29/10, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, các sở ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Trung ương, địa phương; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân tại các vùng bị cô lập, chia cắt, không tiếp cận được; tổ chức di dời, sơ tán người dân tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, sạt lở bờ sông, khu vực hạ du các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Các địa phương đã bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò. Trực vận hành các hồ chứa bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du và sẵn sàng xử lý các tình huống.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ để tiếp tục chỉ đạo, khắc phục hậu quả. Các địa phương tiếp tục bám sát tình hình, chủ động phòng chống, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bị ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn. Tiếp tục nắm chắc tình hình mưa lũ, nhất là tại các địa bàn bị chia cắt, vùng có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân; sẵn sàng phương án điều phối thông tin, tiếp nhận cứu trợ với mục tiêu đúng đối tượng, đúng địa chỉ, công khai, minh bạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu chủ động rà soát, kiểm tra tình hình hồ chứa sau mưa lũ, vận hành bảo đảm an toàn; kiểm tra các điểm sạt lở để có phương án xử lý, bảo đảm giao thông thông suốt.
Lưu Hương