Một trong những vấn đề nóng được các phóng viên đặt ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 7/10 với Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành liên quan là vì sao giá nhà đất, đặc biệt giá chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội liên tục tăng cao, thậm chí tăng cao bất thường. Điều này làm ảnh hưởng đến “giấc mơ” có nhà của những người có thu nhập khá, thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trả lời có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá bất động sản cao, đột biến thời gian qua, bao gồm: Thứ nhất, do nguồn cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều. Thứ hai, thị trường bất động sản có tình trạng đẩy giá, thổi giá. Điển hình, thời gần đây báo chí cũng đã phản ánh tình trạng một số địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất, bị người mua đẩy giá đất cao lên rồi bỏ cọc. Thứ ba, đó là chi phí đầu tư, đầu vào của bất động sản bị tăng cao, từ chi phí đầu tư xây dựng, sử dụng đất.
Để giải quyết 3 nguyên nhân trên, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho hay, về xử lý hành vi thao túng thị trường, thổi giá, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai, và đặc biệt Luật Kinh doanh bất động sản 2023… đã có quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bất động sản, cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá trong kinh doanh bất động sản, như tại Điều 8, trong đó bao gồm việc giả mạo tài liệu, có ý làm sai lệch thông tin (nhằm tăng giá trị của bất động sản không minh bạch); không công khai thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản (làm nhiễu loạn thị trường); điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9); trách nhiệm về việc cung cấp thông tin (Điều 56, Điều 62…); Hoạt động môi giới bất động sản (Điều 61 – 65). Ngắn gọn, Luật Kinh doanh bất động sản đã đề ra những điều khoản rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát các hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường bất động sản.
Cũng theo Thứ trưởng Hùng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024 về việc “phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản” gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành văn bản số 5155/BXD-QLN ngày 6/9/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
Cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý” nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.
Về vấn đề giá nhà chung cư tăng quá cao, ngày 1/10 Báo Lao động Thủ đô có bài “Thu nhập và 1m2 nhà”! Trong đó, có đề cập thực tế, nếu tính cả lương, thu nhập của một lao động được gọi là thu nhập khá, trên 20 triệu đồng/tháng thì tích lũy cả năm mới có thể mua được 1-2 m2 nhà chung cư, trong bối giá mỗi m2 nhà chung cư tại các quận nội đô đang dao động từ 70-100 triệu đồng. Vì vậy, để tránh bất bình đẳng về sở hữu nhà (chung cư) cũng như để người lao động có cơ hội tiếp cận với nhà ở, các cơ quan chức năng cần tiến hành thanh, kiểm tra về vấn đề này.
H.Lê