Ngày 1/10, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố chuỗi giải pháp tự động hoá toàn diện cho ngành logistics tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.
Tại các tổ hợp logistics ứng dụng chuỗi giải pháp, công suất xử lý tăng 40%, tỉ lệ sai sót gần như bằng 0. Mức chịu tải toàn hệ thống của Viettel Post hiện là 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chuỗi giải pháp tự động hoá là nền tảng công nghệ cho chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia của Viettel, bao gồm công viên logistics, cửa khẩu thông minh, cảng cạn – các hạ tầng liên thông hàng hóa giữa Việt Nam, khu vực và thế giới. Toàn bộ các robot, hệ thống băng chuyền và hệ thống phần mềm điều khiển trong các công đoạn lưu trữ, lấy hàng, đóng gói, chia chọn đều do Viettel làm chủ hoàn toàn về công nghệ.
Hiện chuỗi giải pháp được ứng dụng tại toàn bộ các trung tâm khai thác Viettel Post, bao gồm tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) và trung tâm logistics 130 ha tại Lạng Sơn.
Trong năm 2024, Viettel đầu tư tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc với định hướng cung cấp giải pháp toàn trình cho logistics xuyên biên giới và triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, từ đó triển khai thêm nhiều tuyến mới kết nối các nước Đông Nam Á.
Tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Viettel trình diễn 4 robot tự hành trong chuỗi giải pháp: Drone (máy bay không người lái vận chuyển hàng tại các vị trí khó tiếp cận), robot chia chọn AGV sorting (robot tự hành phân loại hàng hóa), robot vận chuyển AGV picking (robot tự hành tải trọng 1 tấn vận chuyển các khối hàng lớn), robot cánh tay (robot ứng dụng thị giác máy tính thực hiện gắp, nhấc và di chuyển hàng hóa).
Cũng tại sự kiện, Viettel giới thiệu hệ sinh thái thiết bị 5G và mô hình trung tâm dữ liệu xanh. Theo đó, trạm thu phát sóng 5G và khối xử lý băng gốc 5G, do Viettel High Tech phát triển, phục vụ triển khai 5G diện rộng trong thời gian tới. Hệ thống mạng riêng 5G Viettel (5G Private) phục vụ tự động hoá sản xuất và ứng dụng IoT trong các nhà máy, doanh nghiệp.
Viettel đặt mục tiêu phát triển các data center (DC) với tổng công suất 240 MW, gấp khoảng 1,5 lần công suất của toàn bộ các DC tại Việt Nam hiện nay. Hình mẫu đầu tiên là Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc – trung tâm dữ liệu xanh đầu tiên của Việt Nam với công suất gấp 2 lần trung bình, sử dụng 30% năng lượng tái tạo, tổng công suất điện 30 MW.
Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI thứ tư, với động lực tăng trưởng chính đến từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Logistics dự kiến trở thành ngành trọng yếu và phát triển nhanh. Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế: Chi phí logistics chiếm trên 20% GDP, quy trình chia chọn hàng hóa còn thủ công và bán tự động, tỉ lệ ứng dụng tự động hóa chỉ đạt 10%. Chuỗi giải pháp tự động hoá ngành logistics của Viettel nhằm giải quyết bài toán này.
MT