Năm học 2024 – 2025 là năm đầu tiên triển khai thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.
Do đó, các trường đã chủ động xây dựng các phương án giảng dạy, khắc phục khó khăn nhằm ươm mầm những “hạt giống tốt”.
Xây dựng kế hoạch từ sớm
Có con đam mê môn Sinh học và mong muốn thử sức với kỳ thi học sinh giỏi, nhưng chị Nguyễn Thị Kiều (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) khá lo lắng khi thử sức với môn Khoa học tự nhiên.
Chị Kiều tâm sự: “Chương trình cũ, các con chỉ cần thi một môn nhưng Chương trình GDPT 2018, môn Sinh học là một phân môn của tổ hợp Khoa học tự nhiên. Như vậy để thi được môn này, con cùng lúc phải học tốt ba môn. Tuy nhiên, phân môn Vật lí con yếu nhất nên khi đăng ký tham gia tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi của trường, tôi lo lắng con sẽ bị áp lực trong quá trình học”.
Để định hướng cũng như chọn được học trò có đam mê, sở trường với các môn học, ở lớp đầu cấp, Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) đã khuyến khích học trò đăng ký tham gia các câu lạc bộ Môn học em yêu thích.
Cô Đỗ Minh Phượng – Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Ngọc Lâm chia sẻ: “Sau khi học sinh tham gia câu lạc bộ, cuối mỗi kỳ và năm học, chúng tôi có các bài kiểm tra đánh giá độc lập thuộc ba chủ đề kiến thức (Năng lượng và sự biến đổi; Chất và sự biến đổi chất; Vật sống), thời gian làm bài 45 phút/chủ đề.
Dựa vào kết quả thi kết hợp với quá trình đồng hành ôn luyện trên lớp, tổ chuyên môn sẽ đánh giá, định hướng, giúp các em xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả. Qua đó, chúng tôi có thêm căn cứ để lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi, bồi dưỡng chuyên sâu”.
Dù lên phương án nhưng năm đầu tiên áp dụng thi học sinh giỏi đối với môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Ngọc Lâm không tránh khỏi khó khăn khi triển khai. Để tránh bị động, tổ chuyên môn phải tìm hiểu, trao đổi với chuyên gia các trường ĐH sư phạm, tham khảo thêm cách thi, đánh giá của các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm định hướng, xây dựng phương án giảng dạy, bồi dưỡng học sinh sát với thực tế.
“Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn lưu ý và động viên học trò ngoài phân môn thế mạnh phải đảm bảo kiến thức cơ bản của hai phân môn còn lại. Tuyển chọn ứng viên cho các kỳ thi học sinh giỏi phải là em có tư duy tốt, thực sự đam mê.
Trước đây, khi tham gia thi học sinh giỏi các cấp, học sinh cần nổi trội một môn nhưng với sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018, học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên có yêu cầu cao hơn. Các em phải nổi trội môn sở trường, vừa phải đảm bảo kiến thức hai phân môn còn lại, đây chính là thách thức lớn cho cả thầy và trò”, cô Phượng nói.
Chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới, đầu tháng 8, Phòng GD&ĐT quận Long Biên tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng một cấp quận. Theo đó, môn Khoa học tự nhiên có ba phân môn tương ứng với ba nhóm chủ đề của môn học. Cụ thể, trong một bài thi có phần kiến thức chung và riêng. Phần kiến thức riêng (chuyên sâu của phân môn), thí sinh làm bài bằng hình thức tự luận, còn phần kiến thức chung sẽ làm bài bằng hình thức trắc nghiệm.
Tham gia kỳ thi trên, em Nguyễn Gia Bảo – học sinh lớp 9A5, Trường THCS Ngọc Lâm tâm sự: “Lần đầu tiên thi môn tích hợp, lượng kiến thức rộng trong khi sở trường của em là phân môn Sinh học nên quá trình học và thi cũng áp lực. Do đó, em cố gắng học kỹ kiến thức chuyên sâu của phân môn Sinh học, riêng hai môn còn lại thì nắm chắc nội dung cốt lõi để điểm không quá kém”.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Thầy Nguyễn Nam Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ, với 2 môn tích hợp, trường đang triển khai dạy song song hoặc nối tiếp dựa vào tình hình thực tế nhằm đảm bảo tiến độ chương trình, chất lượng bài học cho học sinh.
Với phương pháp đó, mỗi phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Trường Tiểu học và THCS Tân Đoàn xây dựng phương án dạy chuyên sâu. Cấp THPT không có môn Khoa học tự nhiên mà phân rõ ra môn Sinh học, Vật lí, Hóa học… nên thầy cô tập trung dạy chuyên sâu từ lớp 7, từ đó có định hướng cụ thể cho học trò chọn môn chuyên sẽ theo học ở cấp THPT.
Bên cạnh đó, ban giám hiệu cũng lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm để dạy, không để một thầy/cô dạy tất cả phân môn (60 tiết), như vậy sẽ khó dạy chuyên sâu và xây dựng bài giảng hay, hấp dẫn.
“Ôn luyện cho học sinh giỏi, giáo viên dạy lý thuyết song song với thực hành, nghiên cứu lồng ghép với chương trình STEM để trò nắm được vấn đề, tránh chán nản do kiến thức nặng.
Thậm chí, chúng tôi cố gắng kết nối với trường đại học giúp các em được tham quan mô hình, phòng thí nghiệm, mở rộng kiến thức liên quan đến môn tích hợp”, thầy Thái thông tin.
Tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), sau khi phân luồng theo nguyện vọng của học sinh, các trường sẽ lựa chọn hạt giống nổi trội để tập trung bồi dưỡng, ôn luyện học sinh giỏi.
Chia sẻ thông tin, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đồng thời cho biết: “Học sinh có năng lực nổi trội phân môn nào, nhà trường sẽ tập trung ôn độc lập phân môn hoặc theo hướng 70 – 30. Ví dụ: Học sinh giỏi môn Hóa học sẽ hướng vào chuyên Hóa (70% kiến thức); 30% còn lại dành cho kiến thức chung của ba phân môn.
Bên cạnh đó, chúng tôi lưu ý các trường ôn luyện theo nguyện vọng, sở trường, sắp xếp vào lớp mà học sinh có thể học chuyên sâu cùng các bạn để tạo sự hứng thú, tránh áp lực”.
Mặc dù định hướng như vậy, nhưng ông Hiền cũng chỉ ra những khó khăn mà các nhà trường phải đối mặt như việc định hướng cho học sinh bởi ở cấp THCS, nhiều em có định hướng và năng lực chưa rõ ràng; phân công giáo viên giảng dạy cũng là bài toán không dễ để đảm bảo thời gian học cho các em.
“Để thành lập được đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi thật sự khó. Vì vậy, chúng tôi mong sở GD&ĐT đưa ra cấu trúc bài thi Khoa học tự nhiên sớm để nhà trường có định hướng ôn tập, bởi tên gọi môn và phân môn hơi khác nhau, khó với học sinh.
Bên cạnh đó, Sở nên cử chuyên gia tư vấn về cách dạy, học sát với đánh giá để thầy cô và học trò bớt áp lực”, thầy Nguyễn Nam Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đề xuất.