Bước vào tuần thứ 3 sau khai giảng năm học 2024 – 2025 nhưng một số trường học tại Hà Nội vẫn ở trong tình trạng ngập úng. Với mong muốn học sinh sớm được đến trường học trực tiếp, nhiều giải pháp linh hoạt đã được lãnh đạo địa phương, đơn vị nhà trường thống nhất thực hiện.
Củng cố kiến thức cho học sinh
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão, nước sông Bùi dâng cao trong nhiều ngày khiến Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A, Trường Trung học cơ sở (THCS) Nam Phương Tiến và Trường Mầm non Nam Phương Tiến (khu trung tâm), xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị ngập úng kéo dài.
Dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa biết thời điểm nào nước rút nên lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Chương Mỹ, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện và UBND xã Nam Phương Tiến quyết định tìm giải pháp để học sinh sớm trở lại trường.
Tính đến ngày 23/9, trên địa bàn xã Nam Phương Tiến vẫn còn nhiều điểm ngập sâu. Tại khu vực Trường THCS Nam Phương Tiến A, Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A và Trường Mầm non Nam Phương Tiến, nước vẫn ngập hơn 1m, chỗ sâu nhất lên tới 2m nên không thể tổ chức đón học sinh.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ, ngay trước khi cơn bão số 3 đổ bộ gây mưa lớn, đơn vị này đã quán triệt tới các trường vùng trũng khẩn trương tiến hành di chuyển đồ đạc, trang thiết bị, tài liệu lên cao để hạn chế thiệt hại. Dù vậy, từ ngày 7/9 đến nay, mực nước sông dâng cao gây ngập sâu nhiều trường học.
Ghi nhận thực tế trong ngày 23/9, mực nước tại khu vực cổng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A và Trường Mầm non Nam Phương Tiến thuộc thôn Hạnh Bồ vẫn cao quá nửa cổng trường. Bảo vệ các trường phải lắp lưới chắn để ngăn rác trôi vào sân trường.
Với tổng số 252 học sinh, cô Kiều Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ, do mực nước sông dâng cao và kéo dài, nhà trường đã làm tờ trình và được Phòng GD&ĐT chấp thuận cho học sinh của trường sang học nhờ bên Trường THCS Nam Phương Tiến B thuộc thôn Đồi Mít từ ngày 18/9 để duy trì nhịp học tập.
“Trường bạn cho mượn 3 phòng học, học sinh chỉ học một buổi/ngày và luân phiên nhau. Buổi sáng dành cho các em khối 3, 4, 5; buổi chiều là khối 1, 2. Mỗi khối, chúng tôi phải ghép hai lớp làm một khoảng 40 em, có hai cô giáo cùng dạy. Phòng Đoàn Đội ở trường sở tại cũng là nơi làm việc chung của Ban giám hiệu, nhân viên văn thư, kế toán của nhà trường. Mọi người cùng cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, cô Hoa nói.
Ngày ngày đưa đón học sinh tới trường, cô Lê Thị Ánh Tuyết – giáo viên khối 3 Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A càng hiểu hơn nỗi vất vả của thầy trò trong những ngày nước lũ dâng cao. Khi học nhờ cũng có những khó khăn nhất định. Có những hôm học trò được về sớm, cô giáo phải chờ đến gần 12h học sinh THCS là người thân tan học mới nhờ đưa các em về nhà.
“Tuần đầu của năm học, giáo viên cơ bản sẽ ôn lại kiến thức của lớp 2. Đến nay mới vào kiến thức mới và được cấp trên và Trường THCS Nam Phương Tiến B tạo điều kiện nên cô trò đến học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn so với học online. Học sinh đến lớp với tinh thần phấn khởi và cùng cố gắng duy trì nếp học tập”, cô Tuyết trao đổi.
Gắn bó 32 năm với nghề, cô Lê Thị Xa – giáo viên khối 5 Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A không khỏi xót xa khi những buổi đầu đi học nhờ, một số em bị thiếu sách vở do ở nhà không kịp kê dọn đồ đạc lên cao. Nhờ sự quan tâm của các cấp và mạnh thường quân, đến nay học sinh đã được trang bị đầy đủ đồ dùng học tập và đến lớp đạt tỷ lệ rất cao.
Nhà trường bố trí dạy cả thứ 7 nên hiện tại, học sinh cơ bản đã theo kịp chương trình kiến thức. Nhiều gia đình học sinh bị ngập nên việc đưa đón các em đi học có cả sự hỗ trợ từ thầy cô và bố mẹ.
Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện và bố trí chỗ ăn ở cho học sinh, người thân tại nhà văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy cao độ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Mong tiếng trống lại dồn vang
Trở lại ngôi trường đang bị ngập, thầy Lưu Văn Đức – giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cho hay, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhà trường đã kịp thời di chuyển các tài liệu quan trọng, thiết bị, bàn ghế, trống, sách vở ở tầng 1 lên tầng 2. Nước vẫn ngập tới cửa sổ tầng 1, toàn khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn.
Chung tình cảnh trên, thầy Nguyễn Bá Thắng – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A thông tin: Do tình hình nước ngập sâu nên toàn bộ hơn 200 học sinh của trường phải chuyển trạng thái sang học trực tuyến nhiều ngày nay. Dù vậy, một số em không đủ điều kiện để tham gia học online do nhà bị cắt điện và mạng internet chập chờn.
“Được sự đồng ý của cấp trên, từ chiều 23/9, toàn bộ học sinh của trường đi học nhờ bên Trường THCS Tân Tiến (cách khoảng 3km) để củng cố kiến thức đã học online và theo kịp tiến độ chương trình. Với học sinh lớp 9, các thầy cô tập trung dạy những kiến thức kỹ năng cơ bản theo kế hoạch để không bị chậm so với các trường bạn. Các khối còn lại tiếp tục thực hiện giảng dạy theo phân phối chương trình”, thầy Thắng nói.
Còn cô Đỗ Thị Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Phương Tiến cho biết, trường có hai khu với tổng số 310 trẻ. Điểm trường chính bị ngập từ ngày 11/9, điểm phụ thuộc thôn Đồi Mít trên cao nên vẫn duy trì dạy học trực tiếp. Nhà trường đã tuyên truyền để phụ huynh ở điểm chính cho con đến học ở điểm phụ nhưng chỉ được một số em.
“Thực tế khi bị ngập, có em theo gia đình di dời tới nhà văn hóa hoặc đi ở nhờ nhà người thân ở các thôn xã khác, xa điểm trường thôn Đồi Mít. Nhà trường thực hiện nghiêm các chỉ đạo của huyện về công tác chăm nuôi, giáo dục trẻ. Ước muốn lớn nhất bây giờ là nước rút nhanh để cô trò có thể tới lớp, nối lại nhịp học tập”, cô Tâm bày tỏ.
Theo thông tin mới cập nhật, gần 100% trường học trên địa bàn Hà Nội, học sinh đã trở lại trường học trực tiếp. Tại huyện Chương Mỹ, ngoài 2 trường đi học nhờ là Tiểu học Nam Phương Tiến A và THCS Nam Phương Tiến thì các trường còn lại đã được đến trường học trực tiếp.
Tại thị xã Sơn Tây, duy nhất có Trường Mầm non Xuân Sơn A chưa thể đón học sinh đến trường. Tại huyện Mỹ Đức, còn 2 trường mầm non bị ngập nước là Trường Mầm non Hợp Tiến B và điểm Đồng Chiêm Trường Mầm non An Phú. Còn tại huyện Ứng Hòa, điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Vạn Thái – nơi ngập nước nhiều ngày qua đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp từ 23/9.
Tinh thần chung được các đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố quán triệt thực hiện đó là: nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy và sớm đưa học sinh được quay trở lại trường trong điều kiện bảo đảm an toàn.