Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mang tới những thuận lợi không thể cưỡng lại của bất cứ ngành nghề nào, vì thế mỗi con người trong đó cũng cần đặt bản thân trong sự thay đổi để phát triển.
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả những ngành nghề mang tính chất phụ thuộc lớn vào trí tuệ con người như công việc viết và dịch sách.
Thách thức cũng như cơ hội mới cho các nhà văn và dịch giả
Để tạo ra một cuốn sách chất lượng bằng cách sử dụng AI, người viết cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và biết cách tận dụng tối đa các công cụ AI.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng viện Blockchain & Trí tuệ Nhân tạo (ABAII) cho biết: “Khi các công cụ A sáchI trở nên dễ tiếp cận hơn, thị trường có thể chứng kiến sự gia tăng số lượng bản dịch với chi phí thấp hơn, khiến cho các dịch giả con người khó cạnh tranh hơn, đặc biệt trong các thể loại dễ chuyển ngữ hơn”.
Theo ông Thành, các nhà văn và dịch giả đừng xem AI như một đối thủ, mà hãy sử dụng nó để nâng cao năng suất của mình. Bằng cách tích hợp AI vào quy trình làm việc, họ có thể đơn giản hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tập trung vào các khía cạnh phức tạp, sáng tạo hơn của công việc.
Ngoài ra, cũng theo ông Thành, tinh thần “học tập cả đời” cần được đề cao. Việc giáo dục liên tục về các công nghệ AI và ứng dụng của chúng trong viết sách và dịch thuật là cần thiết, các chuyên gia nên tìm kiếm đào tạo về các công cụ, phương pháp sử dụng AI để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực của mình.
Như vậy, việc sử dụng AI trong viết và dịch sách đã mở ra những thách thức cũng như cơ hội mới cho các nhà văn và dịch giả trong thời kỳ mới.
Chị Giang Linh, Biên tập viên một nhà xuất bản ở Hà Nội cho biết: “Về dịch sách, ngày nay, nếu không dùng AI sẽ bị lạc hậu, bỏ lại phía sau rất nhiều. Hiện tại, các công cụ AI tiến bộ từng ngày, tự cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ, dịch tiếng Trung hiện nay trên chatGPT hoặc Gemini rất tốt, cho thấy tính học hỏi của AI rất mạnh, có khả năng điều chỉnh văn phong, ngữ điệu,… rất tiện cho công việc dịch hay biên tập đẹp hơn, chuẩn hơn. Rõ ràng các biên tập viên phải cập nhật và phát triển bản thân từng ngày”.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại về giá trị thực sự của những cuốn sách được tạo ra bằng công cụ AI.
Những người hoài nghi cho rằng AI chỉ có khả năng tổng hợp kiến thức mà nó thu thập được từ mạng Internet. Điều này đồng nghĩa với việc những cuốn sách do AI viết ra không khác gì một mớ kiến thức hỗn độn, thiếu giá trị thực tiễn và không mang lại lợi ích cho người đọc. Họ cho rằng những sản phẩm này không thể có giá trị thương mại, bởi vì chúng thiếu đi sự sáng tạo và cảm xúc của con người.
Nhận định trên có căn cứ, bởi vì nếu chỉ sử dụng AI để tổng hợp thông tin từ mạng, kết quả thu được sẽ rất hạn chế và có thể trở nên vô giá trị. Những cuốn sách như vậy thiếu sự sáng tạo, cảm xúc và trải nghiệm cá nhân – những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm văn học thực sự.
Theo Hội đồng Nhà văn Châu Âu (European Writers’ Council), khoảng 65% nhà văn viết tiểu thuyết và hơn 75% các dịch giả tin rằng AI sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập tương lai của họ.
Một cuốn sách thực sự có giá trị phải mang lại cảm xúc và sự kết nối với người đọc
Anh Đức Nhân, tác giả cuốn sách “Kỷ luật tự thân” mới xuất bản tại Việt Nam, chia sẻ: “Bản thân mình cũng đã thử dùng AI vào việc viết và mình thấy được AI hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt trong việc đưa ra ý tưởng. Tuy nhiên, nội dung AI đưa ra chỉ là phổ quát thôi. Một người viết cần có tư duy và kinh nghiệm nhất định để có thể biến đổi nội dung đó, thêm các từ ngữ để mềm mại, bay bổng đi vào lòng người”.
Như vậy, trí tuệ nhân tạo có thể làm giảm bớt công việc lặp đi lặp lại và cung cấp các gợi ý hữu ích, nhưng cuối cùng, chính những trải nghiệm và cảm xúc của tác giả mới tạo nên giá trị độc đáo của mỗi cuốn sách.
Mặt khác, AI cũng có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực nếu được sử dụng đúng cách. Khi kết hợp kiến thức cá nhân, kỹ năng viết lách và trải nghiệm sống của người viết, AI có thể giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả và thậm chí mở ra những cách tiếp cận mới trong việc sáng tạo nội dung.
Thạc sỹ Giáo dục Lương Dũng Nhân, tác giả của 6 cuốn sách xuất bản từ năm 2011 tới nay với tổng số ấn bản gần 100,000 bản, đồng thời là chuyên gia giảng dạy AI, đã chia sẻ một số bước cơ bản để sử dụng AI viết sách. Theo đó, người viết cần phải xác định mục tiêu và đối tượng độc giả; thu thập và xử lý thông tin (với sự chọn lọc); thêm vào kiến thức tr,ải nghiệm cá nhân; sáng tạo và cải tiến; cuối cùng là chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong từng bước đều có thể ứng dụng AI để hỗ trợ.
“Một cuốn sách thực sự có giá trị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn phải mang lại cảm xúc và sự kết nối với người đọc. Trong quá trình viết, tôi nhận ra rằng AI có thể giúp chúng ta xử lý một lượng lớn dữ liệu và đưa ra những gợi ý, nhưng chỉ có con người mới có thể tạo ra những câu chuyện và cảm xúc chân thật. Ví dụ, khi viết về những thách thức mà học sinh phải đối mặt trong thời đại số, tôi đã kết hợp dữ liệu từ AI với những câu chuyện thực tế từ học sinh của mình. Điều này giúp nội dung trở nên sinh động và có sức thuyết phục hơn” – Tác giả Lương Dũng Nhân cho biết.
Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là độc giả, những người thẩm định và gắn bó với những cuốn sách chất lượng. Một độc giả hiểu biết sẽ luôn tìm hiểu về tác giả và nguồn gốc cuốn sách. Một tác giả uy tín thường có tiểu sử rõ ràng, các công trình nghiên cứu hoặc các bài viết đã được công nhận trong cộng đồng. Việc đọc các đánh giá, nhận xét từ những nguồn đáng tin cậy, như các trang web chuyên về sách, tạp chí văn học, hoặc các nhà phê bình có uy tín, cũng giúp đánh giá chính xác hơn về chất lượng của cuốn sách.
Nhật Nam