Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, có những khoảnh khắc đặc biệt, những lời tuyên ngôn như bản “thiên cổ hùng văn” về khẳng định chủ quyền hồn thiêng sông núi vang vọng suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào sáng ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình có giá trị trường tồn cho muôn đời sau.
Khi những câu chữ đầu tiên của Bản Tuyên ngôn vang lên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đó không chỉ đơn thuần là lời tuyên bố về sự ra đời của một Nhà nước, một quốc gia độc lập, mà đó còn là tiếng nói của hàng triệu con tim Việt Nam, là tiếng vọng của hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh bất khuất của cha ông. Trong từng câu chữ ấy, ta nghe được “tiếng hồn” của Bà Trưng, Bà Triệu, nghe được hào khí của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và cảm nhận được sức mạnh phi thường của một dân tộc đã chịu cảnh nô lệ quá lâu vốn không chịu thân phận nô lệ, áp bức, cường quyền.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…” – lời mở đầu của Bản Tuyên ngôn không chỉ là sự khẳng định về quyền con người, mà còn là lời tuyên bố đanh thép về vị thế bình đẳng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là khoảnh khắc Việt Nam vươn mình đứng dậy, sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên mới với tư cách một quốc gia độc lập, tự do. Nhưng Bản Tuyên ngôn không chỉ là lời tuyên bố về quyền của một quốc gia, về quyền tự do của con người mà còn là bức tranh sinh động về nỗi đau và sự hy sinh của cả một dân tộc trong ròng rã 80 năm chiến đấu vì độc lập và tự do. Qua từng dòng tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, ta thấy hiện lên hình ảnh của những người nông dân lam lũ, những người công nhân bị bóc lột, và cả những trí thức Việt Nam bị đày đọa khiến cho nước ta xơ xác, tiêu điều. Mỗi câu chữ là biết bao nước mắt, biết bao nhiêu máu xươngcủa đồng bào ta đã đổ xuống trên con đường đi tìm tự do.
Nhưng điều đặc biệt nhất của Bản Tuyên ngôn Độc lập là tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Dù vạch trần tội ác của kẻ thù, nhưng Bản Tuyên ngôn vẫn toát lên tinh thần nhân đạo cao cả. Nó không kêu gọi hận thù, mà ngược lại, mở ra cánh cửa hòa giải và hợp tác quốc tế. Đây chính là sự thể hiện của một dân tộc vĩ đại – một dân tộc có đủ bản lĩnh để tha thứ, đủ tự tin để vươn tới tương lai.
79 mùa thu đã qua, song những giá trị của Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên vẹn. Nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đọc lại những dòng chữ ấy, ta lại thấy trong mình dâng trào niềm tự hào dân tộc, cảm nhận được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, và càng thêm quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 không chỉ là một văn kiện lịch sử, mà còn là khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, là lời nhắc nhở về giá trị của tự do, độc lập, và là nguồn sức mạnh tinh thần vô tận cho mọi thế hệ người Việt Nam. Và chừng nào tinh thần ấy còn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt, thì dân tộc ta sẽ mãi mãi vững bước trên con đường phát triển, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.
Phương Bùi