Lợi dụng lòng tin của người dân, kẻ xấu giả danh cơ quan thuế yêu cầu cài phần mềm giả mạo, gọi đầu tư dự án… là những hình thức lừa đảo đang nở rộ.
Từ mạo danh…
Ngày 27/8, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng thủ đoạn giả mạo nhân viên cơ quan thuế yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các đối tượng liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế xác nhận thông tin. Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dùng tải ứng dụng giả mạo app của Tổng cục Thuế trên các trang web giả mạo, ngụy trang là truy cập vào kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay). Khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải ứng dụng giả mạo dạng “.apk” về, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động.
Theo Công an TP Hà Nội, đặc điểm của các ứng dụng giả mạo thường sẽ yêu cầu rất nhiều quyền, trong đó có quyền truy cập dữ liệu, quyền chụp ảnh màn hình, thậm chí là quyền trợ năng để điều khiển được điện thoại từ xa.
Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa, và mục tiêu chính chúng nhắm đến là thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán. Khi đã có thông tin của người dùng, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều chiêu trò để có được mã OTP chuyển tiền hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Một nạn nhân của chiêu trò trên, anh V (trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục Thuế quận Hoàng Mai yêu cầu anh vào Zalo xác thực các thông tin về công ty mới lập của anh để đăng tải lên Cổng dịch vụ công. Vì thấy các thông tin về công ty là đúng, anh đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn của “nhân viên Chi cục Thuế.
Anh V đã tải ứng dụng do đối tượng cung cấp để đồng bộ thông tin, đăng nhập số tài khoản ngân hàng, xác thực khuôn mặt 2 lần để hoàn thành. Đến lần xác thực khuôn mặt lần thứ hai, anh nghi ngờ bị lừa. Ngay lập tức, anh gọi điện đến Tổng đài của ngân hàng anh sử dụng và yêu cầu khóa tài khoản, hạn chế được số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 phút trước khi khóa tài khoản, các đối tượng đã thực hiện 2 giao dịch, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản của anh V.
…đến kêu gọi đầu tư
Cũng liên quan đến các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, ngày 22/8/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của chị T (trú tại Long Biên) về việc bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn kêu gọi đầu tư.
Chị T cho biết được “người quen” trên mạng xã hội giới thiệu đầu tư vào Quỹ phúc lợi của tập đoàn có tiếng. Người này cung cấp cho chị đường dẫn website có logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu giống của tập đoàn nên chị đã tin tưởng.
Theo lời của người quen, quỹ đầu tư có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%. Chị T đã chuyển khoản thử 2 triệu đồng và thu về lợi nhuận 1,32%.
Ngày hôm sau, chị chuyển 60 triệu đồng và hưởng lợi 3,12% sau khi tham gia 15 phút. Thấy số tiền giao dịch và tiền lãi được đẩy ngay về tài khoản của mình, chị T tiếp tục đầu tư 17,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh rút tiền về tài khoản cá nhân thì hệ thống báo lỗi và không cho rút tiền. Các đối tượng liên tiếp yêu cầu chị chuyển thêm tiền với các lý do xác minh, bảo hiểm rủi ro… nghi ngờ mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan công an trình báo.
Lợi dụng lòng tin
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa ra thông báo tìm bị hại trong 2 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do các đối tượng tội phạm thực hiện trên địa bàn. Đáng chú ý, qua 2 vụ án có thể nhận thấy, tội phạm không cần phải dùng thủ đoạn quá “cao siêu”, mà chỉ cần người dân mất cảnh giác, đặt niềm tin nhầm chỗ đều có thể rơi vào bẫy…
Đơn cử như vụ án Trần Thanh Hải (29 tuổi), trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng – là nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận Liên Chiểu, đã lừa đảo chiếm đoạt 900 triệu đồng của bị hại thông qua việc đáo hạn ngân hàng.
Theo đó, ngày 8/3/2024, Hải làm thủ tục cho bà Ngô Thị Kim P. vay thế chấp tài sản nhà đất tại đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu với số tiền 900 triệu đồng, thời gian đáo hạn 6 tháng.
Đến thời gian đáo hạn khoản vay, do bà P. không có tiền nên Hải giới thiệu để bà P. vay của bà Mai Phương L. (trú đường Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) 900 triệu đồng. Bà P. và bà L. có lập giấy thỏa thuận với nội dung khi số tiền được ngân hàng giải ngân sẽ chuyển đến tài khoản của bà Trương Thị Bích T. vào ngày 19/3/2024.
Đến ngày 21/3/2024, bà P. chưa thấy thông báo tiền chuyển về nên đã đến ngân hàng tìm hiểu thì được biết số tiền 900 triệu đồng đã được giải ngân vào tài khoản khác do Hải chỉ định vào ngày 19/3/2024 (không phải tài khoản mà bà P. và bà L. ghi trong thỏa thuận). Bà P. liên lạc với Hải nhiều lần nhưng bất thành nên đã làm đơn trình báo cơ quan công an.
Sau khi tiếp nhận tin báo và tiến hành điều tra, ngày 16/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thanh Hải về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Minh (61 tuổi), trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng thực hiện cũng xuất phát từ việc lợi dụng lòng tin của người bị hại. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng tháng 11/2021, ông Đỗ T. (59 tuổi), trú xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng thửa đất trồng cây lâu năm có diện tích 845m2 tại thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn lên 200m2 đất ở.
Thông qua một người khác, ông T. biết và làm quen với Nguyễn Văn Minh; đồng thời nhờ Minh làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì Minh đồng ý.
Ngày 8/11/2021, ông T. đã ký kết hợp đồng với Minh để ông này thay mình đi làm thủ tục, đồng thời cam kết sau 7 tháng sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hai bên thỏa thuận chi phí làm hồ sơ là 120 triệu đồng, tuy nhiên, ông T. đưa trước cho Minh 43 triệu đồng.
Sau gần 3 năm nhưng chưa thực hiện được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên, ông T. đã làm đơn tố cáo Nguyễn Văn Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan điều tra. Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định, bằng thủ đoạn như trên, đến nay Nguyễn Văn Minh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 12 bị hại khác.
Đăng Chung