Hình ảnh lân sư rồng thường xuất hiện trong dịp lễ hội, ngày lễ, khai trương, đặc biệt là dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng, khơi mở điềm lành. Tại Thái Nguyên, xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật, một nhóm bạn trẻ đã tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi để làm đầu lân sư theo cách bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay, đây là nơi duy nhất tại tỉnh sản xuất đầu lân sư rồng thủ công thương mại với số lượng lớn.
Lần theo con phố nhỏ sầm uất, chúng tôi tìm đến cơ sở chế tác đầu lân (tại tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) của anh Đoàn Thanh Tùng. Trong căn nhà rộng chừng 100m2, anh Tùng, chủ cơ sở, cũng là Trưởng đoàn Múa lân sư rồng Long Nghĩa Đường, cùng các thành viên đang cặm cụi hoàn thiện đợt hàng cuối cùng chuẩn bị giao để đưa ra thị trường cho kịp dịp Rằm tháng Tám.
Cùng với sự choáng ngợp bởi những đầu lân sắc màu được xếp ngăn nắp chờ giao cho khách hàng, trước mắt chúng tôi là la liệt nguyên liệu để làm nên đầu lân thủ công từ mây và tre, ngoài ra có vải mùng, giấy, lông… Những chiếc đầu lân thủ công mới được dán vải mùng màu trắng đục, đang nằm trên giá, chờ keo khô để được dán giấy và làm những công đoạn tiếp theo.
Người bình thường chắc sẽ quen thuộc với những chiếc đầu lân với đủ màu sắc sặc sỡ, còn những chiếc đầu lân đang được lên khung, dán mùng có lẽ là khung cảnh ít người được tận mắt thấy.
Năm 2022, anh Tùng cùng các anh em đã vào tỉnh Đồng Tháp để “bái sư học nghề” làm đầu lân thủ công. Mỗi người học một công đoạn khác nhau.
Tuy nguyên liệu bằng mây, tre, giấy, nhưng để làm nên một chiếc đầu lân không phải là điều đơn giản. Mỗi người phải đảm nhận từng công đoạn tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ để những con lân đầy màu sắc vừa giữ được cái hồn của lân vừa giữ được sự vững trãi, cứng cáp sau bài múa.
Theo anh Tùng: Các công đoạn từ khâu lên khuôn tạo hình, vặn sườn, đan, dán giấy đến tô màu nền, vẽ hoa văn đều yêu cầu sự chịu khó, kiên nhẫn, trau chuốt của người thợ, bởi thế người thợ phải như họa sĩ tạo hình thực thụ. Bên cạnh đó, sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu lân đến đuôi lân rất quan trọng để làm nổi bật thần thái, sự dũng mãnh, uy vũ của linh vật này.
Anh Nguyễn Viết Sang, thành viên Đoàn múa lân sư rồng Long Nghĩa Đường, cẩn thận uốn nắn những thanh mây để tạo sườn cho đầu lân, đây là công đoạn đầu tiên trong quá trình tạo đầu lân.
Những người thợ này đã làm sẵn một bộ khung theo kích thước chuẩn sau đó đan mây uốn từng bộ phận của đầu lân. Một bộ khung đạt yêu cầu phải đảm bảo tính thẩm mỹ, đường nét rõ ràng để dễ dàng thực hiện các công đoạn tiếp theo.
Bước dán vải mùng và giấy cũng đòi hỏi người thợ phải dán sao cho lớp giấy láng mịn. Vì chỉ một chỗ bị lỗi cũng ảnh hưởng đến bước dán vải, giấy và vẽ trang trí. Hồ dán thì được làm từ bột củ rong nấu chín như hàng trăm năm qua.
Công đoạn tiếp đến là vẽ lân, đòi hỏi sự tập trung của người thợ và trải qua quá trình luyện tập rất nhiều để có thể vẽ được các đường nét thật mềm mại, thanh thoát, toát lên hồn của linh vật.
Để vẽ lân đẹp phải hiểu được màu sắc, phối màu, loại lân. Vẽ mắt cho lân là công đoạn khó nhất, phải làm sao mỗi đôi mắt toát lên được thần thái riêng. Lân mạnh mẽ, lân hung dữ, lân hiền lành… đều thể hiện qua ánh mắt. Còn điểm nhấn của mặt nạ chính là nụ cười rộng rãi, phóng khoáng.
Đầu lân hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì cá (ngư) tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long). Tạo hình đầu lân là nhấn mạnh những điểm đặc trưng của tứ linh để lân đạt được phong thái hùng dũng và uy linh, nhưng không xa lạ với quan niệm truyền thống của cộng đồng.
Lân mang nhiều sắc mặt: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ba đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, tượng trưng cho “Ðào viên kết nghĩa” là lân mặt vàng râu trắng (Lưu Bị), lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi).
Công đoạn cuối cùng để hoàn thành đầu lân là dán lông, làm râu và gắn đuôi. Để cho phần thân uyển chuyển thì phải sử dụng loại vải kim sa lấp lánh. Với loại vải này, lân, sư sẽ lấp lánh dưới ánh mặt trời hoặc ánh đèn.
Mỗi sản phẩm đều được các thành viên thể hiện tỉ mẩn. Những chiếc đầu lân được thổi hồn thật sống động, đạt độ tinh xảo. Đầu lân khi hoàn thiện ngoài vẻ đẹp của màu sắc, tạo hình, mắt phải có thần sắc, miệng dữ mà tươi, gọn, nhẹ, bền chắc, chịu được va đập để các môn sinh có thể thi triển bài diễn độ khó cao như “Lân lên mai hoa thung”, “Trúc thanh”, “Lân hí cầu”…
Mỗi chiếc đầu lân từ khâu thiết kế đến hoàn thiện phải tốn khoảng 5-10 ngày, nên khách hàng muốn mua sản phẩm thường sẽ đặt hàng trước. Sau hơn một năm, cơ sở đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh vài trăm chiếc đầu lân. Khi vào mùa, nhiều lúc, các thành viên còn phải thức cả đêm để đảm bảo đơn hàng cho khách. Mỗi chiếc đầu lân thủ công được bán từ 4 – 6 triệu đồng.
Dù thời tiết oi bức, công việc bận rộn nhưng không khí ở đây rất vui vẻ. Những người làm đầu lân dường như không chỉ coi đây là công việc mưu sinh mà còn là nơi để gửi gắm tình yêu, cảm xúc của mình vào những nguyên vật liệu vốn vô tri, vô giác nhưng mang lại thú vui cho cả trẻ con và người lớn mỗi mùa Trung thu về.
Tuy làm đầu lân truyền thống không mang lại thu nhập quá cao nhưng những người thợ ở đây ai nấy đều tâm huyết với nghề. Giữa thành phố nhộn nhịp, nơi xưởng nhỏ này vẫn có những con người miệt mài ngày đêm với niềm đam mê của họ.
Từ hơn trăm năm trước, nghệ thuật múa lân – sư – rồng du nhập vào Việt Nam, nghề làm đầu lân cũng theo đó phát triển, chỉ với những đốt mây, tre, trúc được vót tỉa, uốn ghép nhưng biểu hiện đầy đủ được nét phong tráng, hùng tướng, thần sắc oai vệ, cảm xúc tươi vui… của những linh thú trong bộ môn nghệ thuật này.
Nghệ thuật múa lân hay những chiếc đầu lân là một những tinh hoa nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa. Anh Tùng cùng những bạn trẻ này hiểu được điều đó, họ đã và đang tiếp tục bảo tồn, lan tỏa và đưa những giá trị này góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.