Dậy thì là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành về thể chất và tâm sinh lý ở trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ phát triển quá nhanh so với bạn bè đồng trang lứa qua việc xuất hiện các dấu hiệu “lạ”, cha mẹ nên cảnh giác vì sức khỏe của con có thể đang có vấn đề bất thường.
Bé gái B.L.B.N (Vĩnh Phúc) bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt vào thời điểm 9 tuổi, 5 tháng. Đặc biệt, cách đây một năm ngực trẻ đã phát triển… Nghi ngờ con có tình trạng dậy thì sớm, gia đình đưa bé tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ thăm khám.
Tại đây, trẻ được bác sĩ thực hiện thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bản thân và gia đình, đồng thời chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết phục vụ quá trình chẩn đoán.
Kết quả chụp X-quang cho thấy tuổi xương tương ứng với độ tuổi 10 – 11 (trong khi tuổi thật của bé là 9 tuổi, 5 tháng); cùng với đó hình ảnh tử cung cho thấy phần phụ tăng kích thước so với tuổi thực. Đặc biệt, hình ảnh chụp MRI tuyến yên phát hiện khối u có kích thước 12,2×10,2×9,1mm. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định dậy thì sớm do u tuyến yên.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Cam – Chuyên Khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ trực tiếp thăm khám và điều trị trường hợp này cho biết: “Trên thực tế, việc tiếp nhận các trường hợp trẻ tới khám do xuất hiện các dấu hiệu dậy thì sớm như bé N không phải là hiếm gặp. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bất thường ở trẻ, đưa đi khám kịp thời để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp với từng trẻ.
Theo bác sĩ Cam, dậy thì là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu giai đoạn bé trưởng thành về mặt thể chất và tâm sinh lý. Dậy thì thể hiện sự trưởng thành của trục nội tiết hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục. Ở nữ, dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì là sự phát triển của vú. Ở nam giới, dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì là tinh hoàn to ra, khi kích thước tinh hoàn tăng lên đến thể tích ≥4 ml, hoặc chiều dài ≥2,5 cm.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ bao gồm: Bất thường của buồng trứng, tinh hoàn hoặc tuyến thượng thận gây tăng các hormone sinh dục như E2, hoặc testosterone; do có sự bài tiết quá mức của hormone giới tính (E2 hoặc androgen) từ tuyến sinh dục, hoặc tuyến thượng thận, hoặc ngoại sinh; do các khối u tế bào mầm ở vị trí ngoài cơ quan sinh dục; tổn thương hệ thần kinh trung ương: U não, u tuyến yên, xạ trị, chấn thương, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương…; do di truyền; phơi nhiễm steroid sinh dục quá mức…
Đáng lo ngại, tình trạng dậy thì sớm có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ như gây tình trạng cốt hóa xương sớm, khiến trẻ bị lùn khi trưởng thành. Ảnh hưởng tâm lý do thay đổi nhanh chóng của cơ thể làm trẻ hoang mang, lo lắng. Nếu nguyên nhân là u não, u ác tính tuyến sinh dục… có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sự thay đổi tâm sinh lý của con để phát hiện những dấu hiệu bất thường cảnh báo tình trạng dậy thì sớm ở trẻ để đưa con đi khám kịp thời.
Bác sĩ Cam lưu ý, nếu cha mẹ thấy con phát triển nhanh so với bạn bè cùng trang lứa, ví dụ bé gái trước 9 tuổi đã phát triển ngực, có lông mu hoặc bé trai trước 9 tuổi phát triển tinh hoàn và kích thước dương vật thì nên cho con đến cơ sở y tế kiểm tra để biết có phải dậy thì sớm gây ra những biểu hiện “lạ” của cơ thể hay không.
Để chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân dậy thì sớm, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh. Sau khi có kết quả chẩn đoán xác định, bác sĩ đưa ra hướng xử lý và điều trị kịp thời cho trẻ.
Bác sĩ Cam cũng chia sẻ, có không ít cha mẹ biết con dậy thì sớm đã sốc và lo lắng, nhưng bác sĩ khuyên cha mẹ nên bình tĩnh để không làm ảnh hưởng tâm lý ở trẻ. Cha mẹ cần làm bạn với con để lắng nghe, tâm sự, chia sẻ và hướng dẫn con cách xử lý, giúp con tự tin và hòa đồng cùng bạn bè trang lứa.
Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng dậy thì sớm, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp sau: Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, cân đối nguồn thực phẩm tươi sạch, không chứa chất biến đổi gen/ hormone tăng trưởng, tránh sử dụng đồ ăn nhanh hoặc chữa nhiều dầu mỡ, chất béo; tăng cường các hoạt động thể chất cho trẻ bằng các bộ môn thể thao phù hợp; tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại mỹ phẩm, thuốc chứa estrogen, testosterone sẽ gây mất cân bằng hormone sinh dục.