Cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho biết, Mỹ không có biện pháp hiệu quả nào để buộc Moscow phải tuân theo ý muốn của mình, đặc biệt là về vấn đề Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, được công bố vào ngày 13/8, cựu đại sứ Washington tại Moscow, John Sullivan, khẳng định rằng, chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “chính phủ cực kỳ khó đối phó” do phong cách đàm phán của họ, mà ông cho là dựa trên các yêu cầu “tối đa”.
“Nếu có điều gì chúng ta có thể làm để gây sức ép buộc Nga phải khuất phục trước ý chí của chúng ta, chúng ta đã làm điều đó với Ukraine rồi.
Chúng ta sẽ đe dọa họ bằng gì bây giờ? Chúng ta đã tấn công Nga bằng rất nhiều biện pháp vì Ukraine. Nếu tôi có thể nghĩ ra những biện pháp tốt hơn, thì chúng ta đã sử dụng chúng với Ukraine rồi”, ông Sullivan nói, dường như ám chỉ đến các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga kể từ khi bùng nổ chiến sự giữa Moscow và Kiev.
Cựu đại sứ Mỹ đã đưa ra một số kịch bản tiềm năng để giải quyết xung đột Nga-Ukraine, chẳng hạn như “một lệnh ngừng bắn mà không nhượng bộ hoặc công nhận bất kỳ lãnh thổ nào là của Nga”, hoặc “một chương trình hỗ trợ lớn cho Ukraine thông qua một chương trình cho thuê-cho mượn mới”.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, “tất cả những điều đó phụ thuộc vào đối tác tại Điện Kremlin sẵn sàng đàm phán”, và “ông Putin sẽ không làm vậy”.
“Tôi bi quan về tương lai ở Ukraine vì không bên nào vào thời điểm này muốn đàm phán. Cho đến nay, người Ukraine không thể đẩy người Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine mà họ kiểm soát. Nhưng ngược lại, người Nga vẫn chưa thể thực hiện bất kỳ cuộc tấn công lớn nào để chiếm thêm nhiều vùng của Ukraine. Vì vậy, bế tắc là điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng trong tương lai gần”, ông kết luận.
Ông Sullivan giữ chức đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2019 cho đến khi rời Moscow vào tháng 9/2022.
Trước khi trở về Mỹ, chỉ sáu tháng sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, ông Sullivan thừa nhận rằng, quan hệ giữa Moscow và Washington đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, một trong những mục tiêu chính của hoạt động quân sự chống lại Kiev là đảm bảo an ninh cho Nga trước mối đe dọa do NATO mở rộng về phía biên giới của nước này.
Một mục tiêu khác, theo họ, là bảo vệ người dân Nga sống tại các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine khỏi sự đàn áp của lực lượng Kiev, bắt đầu sau cuộc đảo chính Maidan ở Kiev năm 2014.
Moscow cũng nhấn mạnh rằng, họ sẵn sàng giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao, mặc dù theo các điều khoản của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu vào cuối tháng 7/2024 rằng, bất chấp lập trường của phương Tây về cuộc xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow trong hai năm qua, Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và hợp tác với các nước phương Tây, bao gồm cả về các vấn đề an ninh.