Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân, đơn vị nhận được điện thoại, thậm chí văn bản đề nghị về việc cập nhật mới ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số; trong số này có người đã bị “bốc hơi” hàng tỷ đồng sau khi tải phần mềm và đăng nhập theo đường link. Trước tình trạng này, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và cơ quan Công an đã phát đi cảnh báo, đề nghị người dân và đơn vị cần nâng cao cảnh giác.
Mất 1,8 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm VssID… giả mạo
Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam gọi điện hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID.
Theo đó, ngày 2/8/2024, Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy tiếp nhận tin trình báo của anh N (sinh năm 1984; hộ khẩu thường trú: quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng. Anh N cho biết có nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu cập nhập thông tin trên ứng dụng VssID. Do tin tưởng nên anh N đã tải phần mềm và đăng nhập theo đường link do đối tượng gửi. Sau đó anh N được hướng dẫn cập nhật vân tay, chụp ảnh khuôn mặt, chụp Thẻ căn cước công dân gửi cho đối tượng. Khoảng 1 tiếng sau, anh N phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 1,8 tỷ đồng. Biết mình bị lừa, anh N đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trường hợp anh N không phải duy nhất. Mới đây, BHXH quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội) cũng đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh nhân viên cơ quan BHXH quận yêu cầu đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin VssID – BHXH số.
Cụ thể, BHXH quận Thanh Xuân cho biết, đơn vị nhận được thông tin phản ánh từ người dân, người lao động về việc một số đối tượng mạo danh là nhân viên cơ quan BHXH quận Thanh Xuân gọi điện thoại, nhắn tin cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), yêu cầu người tham gia BHXH cung cấp số Căn cước công dân và gửi Căn cước công dân để đồng bộ dữ liệu, hiệu chỉnh sổ BHXH hoặc cung cấp thông tin để cập nhật vào “Ứng dụng VssID – BHXH số” bằng đường link do sai thông tin; yêu cầu kết bạn qua Zalo trên điện thoại để hướng dẫn điều chỉnh và thực hiện các hành vi lừa đảo.
BHXH quận Thanh Xuân khẳng định, hiện BHXH thành phố Hà Nội và BHXH quận Thanh Xuân không có chủ trương gọi điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người thụ hưởng chính sách, người tham gia BHXH, BHYT cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID – BHXH số.
Không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 19/7/2024, BHXH Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo BHXH Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 01/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email. Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VSSID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VSSID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp. Yêu cầu (1) BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. (2) Người dân nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau”.
BHXH Việt Nam khẳng định, văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tiếp đó là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.
Nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ
BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Trước phản ánh của nhiều người lao động và người dân, ngày 23/7/2024, BHXH Thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 3444/BHXH-TT cảnh báo mạo danh nhân viên cơ quan BHXH yêu cầu đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin ứng dụng VssID. Tuy nhiên, nhiều người do chủ quan nên vẫn bị sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền lớn khi cài đặt phần mềm giả mạo này.
Cơ quan BHXH cũng khuyến cáo người lao động, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo; thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cung cấp các thông tin cá nhân, kết bạn qua Zalo, không bấm vào các đường link lạ hay cung cấp mã OTP, mã số BHXH và mật khẩu VssID…
Trong các trường hợp nhận được văn bản, BHXH Việt Nam cho biết, các đơn vị chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của BHXH Việt Nam gửi qua Hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phần mềm Eoffice) hoặc trường hợp văn bản mật, văn bản giấy gửi theo hệ thống bưu cục Trung ương, Bưu điện. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức của ngành và các đơn vị cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời nhận biết, ngăn chặn các thông tin giả mạo ngay từ khi phát hiện.
Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ BHXH, yêu cầu hỗ trợ cài đặt Phần mềm BHXH VssID “giả mạo” – chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần: Cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Cơ quan Công an cũng đề nghị người dân chỉ cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng công bố trên webste chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk. Cùng đó, cần thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.
Bảo Duy