Bên cạnh những ưu điểm, xét tuyển sớm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ảo cao.
Từ đây, các chuyên gia đề xuất cần siết lại phương thức xét tuyển sớm, tránh “nhiễu” trong tuyển sinh và đảm bảo công bằng với thí sinh cũng như cơ sở đào tạo.
Tỷ lệ ảo cao
Được tự chủ trong tuyển sinh nên hầu hết cơ sở giáo dục đại học chủ động đưa ra phương thức xét tuyển sớm và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này. Dù vậy, ThS Nguyễn Quang Trung – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) vẫn đánh giá cao phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, nhà trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức này.
Từ kết quả tuyển sinh của những năm trước, ThS Nguyễn Quang Trung ủng hộ giảm chỉ tiêu đối với các phương thức xét tuyển sớm; trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. “Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo với xét tuyển sớm chắc chắn cao. Cũng không tránh khỏi vài ngành của một số trường tuyển vượt cả tổng chỉ tiêu, dẫn đến không còn chỗ cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT”, ThS Nguyễn Quang Trung nêu thực trạng và cho biết, tỷ lệ thí sinh nhập học vào Trường ĐH Thương mại theo phương thức xét tuyển sớm khoảng 30%, còn 70% là ảo.
Dù ưu điểm của xét tuyển sớm là giúp thí sinh yên tâm nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, có khoảng 20% thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường đại học. Thực tế này khiến các trường khó khăn trong dự báo tỷ lệ ảo.
Cùng chung băn khoăn, PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, khi được thông báo trúng tuyển sớm, đa phần học sinh không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT. Những năm qua, tỷ lệ ảo xét tuyển sớm vẫn ở ngưỡng 200 – 300%. Với phương thức xét tuyển sớm, dữ liệu về khu vực, đối tượng ưu tiên chưa có nên khi hậu kiểm phát hiện nhiều sai sót. Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề xuất, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT nên có quy định chỉ được công bố trúng tuyển sau khi đã thi tốt nghiệp THPT.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Công đề xuất, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm. Theo đó, nên hạn chế các phương thức này và chỉ nên ưu tiên áp dụng với những ngành đặc thù, trọng yếu.
Xem xét lại phương thức xét tuyển sớm
Để hạn chế tỷ lệ ảo, ThS Nguyễn Quang Trung chia sẻ, Trường ĐH Thương mại tính toán chi tiết, cẩn thận bằng nhiều giải pháp. “Do lượng thí sinh quan tâm đến trường lớn nên trường xét tuyển sớm “non” hơn một chút so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chúng tôi phán đoán thông qua phản hồi của thí sinh.
Chẳng hạn, khi yêu cầu thí sinh nhập điểm thi tốt nghiệp THPT lên Hệ thống của trường, nếu các em xác nhận nhập học ngay trong ngày đầu tiên thì tỷ lệ ảo những ngày này không nhiều. Những bạn dành đến phút cuối mới xác nhận thì tỷ lệ ảo sẽ nhiều hơn. Bằng nhiều giải pháp kỹ thuật, chúng tôi cố gắng đưa tỷ lệ ảo giảm thiểu nhất có thể”, ThS Nguyễn Quang Trung trao đổi.
PGS.TS Lê Đình Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc “nở rộ” các phương thức xét tuyển sớm gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, vì một mặt thực hiện quyền tự chủ của các trường nhưng mặt khác phải bảo đảm chất lượng của sản phẩm đầu ra và không chạy theo số lượng.
Hiện, nhiều trường tiên tiến trong khu vực và thế giới tự chủ trong việc xác định các phương thức xét tuyển nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn điều tiết; trong đó có các quy định chặt chẽ liên quan đến điều kiện bảo đảm chất lượng đầu ra. “Tất nhiên, vấn đề này có liên quan đến chất lượng đầu vào, bởi đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện thanh, kiểm tra”, PGS.TS Lê Đình Tùng nói.
Bên cạnh những ưu điểm của xét tuyển sớm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, phương thức này cũng có không ít mặt trái; trong đó có sự thiếu công bằng. Giả sử, một ngành nào đó có 100 chỉ tiêu, trong đề án tuyển sinh nhà trường dành 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Tuy nhiên, do không lường trước được tỷ lệ ảo nên số lượng thí sinh trúng tuyển có khi vượt gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu. Điều này dẫn đến không còn chỉ tiêu dành cho phương thức khác. Hậu quả là điểm chuẩn có thể “nhảy vọt”. Đây là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua cũng như chưa có minh chứng thuyết phục về sự bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh sớm.
Từ thực tiễn khách quan, Thứ trưởng yêu cầu, mỗi đơn vị cùng nhìn nhận rõ vấn đề, thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu. Đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.
“Chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo về cách thức, phương thức tuyển sinh hiện nay; đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm và muốn có nhiều phương thức. Từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp, nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và đánh giá kết quả THPT. Tinh thần là bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống”, Thứ trưởng yêu cầu.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm 2022 và năm 2023, một số phương thức xét tuyển sớm có tỷ lệ nhập học dưới 1%. Riêng năm 2023, có 214/322 cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển sớm. Có hơn 1,2 triệu nguyện vọng trúng tuyển sớm. Trúng tuyển sớm sau lọc ảo là hơn 301.800 thí sinh. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là hơn 147.300.
Minh Phong