Bộ phim “Đào, phở và piano” (biên kịch và đạo diễn Phi Tiến Sơn) do Nhà nước đặt hàng, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chạm đến trái tim hàng triệu khán giả, mở ra cơ hội để các nhà làm phim Việt không ngừng sáng tạo về đề tài lịch sử, gắn liền với Thủ đô Hà Nội anh hùng.
LTS: Công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, đồng thời góp phần quảng bá, bảo vệ, phát triển bản sắc dân tộc. Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Trong đó, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của ngành văn hóa, là một trong những bệ phóng giúp kinh tế-xã hội quốc gia phát triển. Với thủ đô Hà Nội – mảnh đất địa linh nhân kiệt, mang trên mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, có sự giao thoa, hòa quyện bởi văn hóa Tràng An – xứ Đoài…, việc phát triển điện ảnh thành công giống như chắp thêm đôi cánh vững chắc cho Thủ đô phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước, phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Hiện tượng “cháy vé” chưa từng có
Phim điện ảnh “Đào, phở và piano” do Nhà nước đặt hàng với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng đã gây sốt mạnh mẽ trên mạng xã hội sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Phim từng được chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2022 và Liên hoan phim Việt Nam năm 2023. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phim chưa thực sự được chú ý. Phim được công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, từ mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024 theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Kế hoạch Phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước. Lúc này, phim vẫn chưa gây được tiếng vang.
Cho tới hết kỳ nghỉ Tết, bộ phim bất ngờ trở thành chủ đề được bàn luận trên mạng. Theo ghi nhận của PV, nhiều khán giả phản ánh phim khó đặt vé vì suất chiếu hạn chế, thậm chí website của nhà rạp bị sập vì lượng người truy cập đặt vé cao kỷ lục, có lúc hơn 30.000 lượt truy cập cùng lúc. Tại thời điểm này, phim chỉ chiếu duy nhất tại Rạp Chiếu phim Quốc gia, các suất chiếu luôn hết ghế, thậm chí có thời điểm toàn bộ số ghế nhanh chóng được bán hết cho 2 ngày sau. Theo ông Vũ Đức Tùng – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, hiện tượng phim “Đào, phở và piano” gây sốt, khiến Website đặt vé của rạp liên tục quá tải là “hiện tượng trước nay chưa từng có”.
Để đáp ứng nhu cầu xem phim của công chúng, Rạp Chiếu phim Quốc gia thông báo mở thêm rất nhiều suất chiếu. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông sau đó cho biết, các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam chủ động liên hệ với Bộ để được chiếu phim “Đào, phở và piano” tại các cụm rạp của doanh nghiệp của họ, đồng nghĩa phim được chiếu rộng rãi trên toàn quốc, giúp khán giả cả nước được thưởng thức phim. Các doanh nghiệp tư nhân cũng khẳng định sẽ nộp toàn bộ doanh thu bán vé thu được từ phim sẽ nộp về ngân sách Nhà nước. Doanh thu của phim vì thế cũng tăng nhanh chóng. Con số hơn 20 tỷ đồng doanh thu của một bộ phim do Nhà nước sản xuất, có đề tài lịch sử có thể coi là thành tích kỷ lục của ngành điện ảnh nước nhà từ trước đến nay.
Phim mang biểu tượng văn hóa Hà Nội
Bộ phim “Đào, phở và piano” (biên kịch và đạo diễn Phi Tiến Sơn) do Nhà nước đặt hàng, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Phim kể về cô tiểu thư nhà trí thức (Cao Thị Thùy Linh) trốn gia đình từ quê về lại căn nhà ở Hà Nội để tìm cây đàn dương cầm yêu quý của mình thì tình cờ gặp lại người đàn ông mình thương nhớ. Anh là lính Vệ quốc quân (Doãn Quốc Đam), đang làm nhiệm vụ ở chính con phố cổ nơi gia đình cô sinh sống. Với sự giúp đỡ của những người tốt bụng, hai người đã nên duyên vợ chồng, có một đám cưới đơn sơ giữa trận mạc hoang tàn của phố phường Hà Nội, vào đúng khoảnh khắc chuyển giao của đất trời.
Hình ảnh biểu tượng của phim là đào, phở và piano mang những ý nghĩa sâu sắc, gắn bó với Hà Nội. Đây là những hình ảnh xuất hiện nhiều trong phim và gắn liền với các nhân vật. Cành đào là món quà ngày Tết anh lính liều mình kiếm từ vườn đào Nhật Tân mang về trận địa, mong mang chút không khí ngày xuân cho các đồng đội. Phở là biểu tượng của tinh hoa ẩm thực Hà thành, cũng là nỗi nhớ của mỗi người lính và người dân, ngay cả khi họ đang ở trong lòng Thủ đô. Phở cũng gắn liền với hình ảnh vợ chồng hàng phở nán lại Hà Nội thêm một đêm để nấu nồi phở phục vụ các chiến sĩ Cách mạng. Cây đàn piano đại diện cho tình yêu nghệ thuật, ước nguyện hòa bình, tính cách lãng mạn của người Hà Nội. Dù trong điều kiện gian khó, những nét đẹp trong văn hóa vẫn được người dân Thủ đô giữ gìn.
Bên cạnh kịch bản tốt, phim quy tụ dàn diễn viên thực lực, tạo ra điểm sáng về diễn xuất như: Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)…
Phim còn được đánh giá cao ở việc đầu tư nghiêm túc về bối cảnh, phục trang,…Họa sĩ Viết Hưng, họa sĩ thiết kế phim “Đào, phở và piano” cho biết để tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Sau hơn 5 tháng thi công, một khu phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với các cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, toa tàu điện,… cùng bối cảnh chiến lũy năm xưa được tái hiện chân thực. Điều này giúp nhà quay phim khai thác góc máy mở, không phải cắt đúp nhiều lần.
Về lý do giúp “Đào, phở và piano”, một phim của Nhà nước sản xuất, có đề tài lịch sử gặt hái nhiều thành công, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng có 3 lý do. “Thứ nhất, phim được dàn dựng tốt, có dàn diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai. Thứ hai, bộ phim nhận được sự ủng hộ của truyền thông, cộng đồng mạng dù không có đồng nào chi cho quảng bá, phát hành. Thứ 3, phim cũng ra rạp vào thời điểm thuận lợi sau kỳ nghỉ Tết, thời điểm rạp chiếu đã bão hòa phim về những nội dung khác như đời sống gia đình, xã hội. Không dễ gì để một bộ phim Nhà nước đặt hàng có thể hội tụ đủ 3 yếu tố này”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhận định.
An Nhiên