Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023). Toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy để khám, chữa bệnh.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 104,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023).
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai: Sổ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử; tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID; tích hợp tài khoản VneID với VssID; triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam không chỉ là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số mà còn có được những sản phẩm thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.
Trong những kết quả tích cực của ngành, nổi bật là việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đã đạt tỷ lệ cao; cung cấp nhiều tiện ích trên Cổng DVC quốc gia với số lượt người dân sử dụng rất lớn. Dù còn những khó khăn nhưng BHXH Việt Nam đã quan tâm xây dựng, phát triển tốt hạ tầng số, dữ liệu số, đồng thời chia sẻ mạnh mẽ với các Bộ, ngành, địa phương mang lại những lợi ích thiết thực, phục vụ người dân.
Ông Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cũng nhận định, các kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong triển khai Đề án 06 là rất tích cực. Việc 100% cơ sở y tế triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là một nỗ lực lớn của ngành BHXH Việt Nam và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn, thách thức như: liên thông dữ liệu với các ngành, cơ chế đãi ngộ cho nhân tài công nghệ thông tin chưa đột phá… Tuy nhiên khó nhất vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, lãnh đạo.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội nhắc lại từng cán bộ phải trăn trở, suy nghĩ rằng “khâu này có áp dụng chuyển đổi số được không”, chia sẻ dữ liệu sao cho an toàn vì “một số nơi còn xem nhẹ vấn đề an toàn thông tin”.
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục làm giàu, làm sạch, tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu với các ngành như công an, y tế, lao động, ngân hàng…Về lâu dài, khi hệ thống tích hợp các biện pháp như sinh trắc học, quản lý dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì vấn đề trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ giảm dần.
Thu Cúc