Chiều 28/7, tại Olympic Paris 2024, tay chèo Phạm Thị Huệ đã xuất sắc giành quyền vào tứ kết Rowing nội dung thuyền đơn hạng nặng sau khi về thứ hai tại lượt thi vòng tranh vé vớt (Repechage) của mình. Trong khi đó, Trịnh Thu Vinh là 1 trong 8 xạ thủ xuất sắc nhất thế giới bước vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, kết quả không thể vào loạt bắn tranh huy chương. Tuy nhiên, đây là thành tích tốt nhất của một vận động viên Việt Nam tại Olympic Paris.
Tại vòng loại nội dung thuyền đơn hạng nặng diễn ra vào hôm qua 27/7, Phạm Thị Huệ chỉ xếp thứ tư với thành tích 8 phút 03 giây 84. Để có mặt tại tứ kết, tay chèo quê Quảng Bình phải lọt vào top 2 lượt thi của mình tại vòng tranh vé vớt.
Ở vòng đấu này, các đối thủ của Phạm Thị Huệ đều không lọt vào top 3 vòng loại trước đó một ngày. Trước các đối thủ không quá mạnh, Phạm Thị Huệ đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tay chèo sinh năm 1990 sớm vượt lên nhóm dẫn đầu và liên tục bám đuổi Joanie Delgaco của Philippines. Phạm Thị Huệ giữ được sự ổn định và cô kết thúc 2.000m với thành tích 8 phút 0 giây 97, xếp thứ nhì lượt đấu, sau Joanie Delgado (7 phút 55 giây).
Với kết quả này, Phạm Thị Huệ đã giành vé vào tứ kết nội dung thuyền đơn hạng nặng nữ Olympic Paris 2024, dự kiến diễn ra lúc 14h55 ngày 29/7 (giờ Việt Nam).
Trong lần đầu tiên thi đấu tại đấu trường Olympic, Phạm Thị Huệ đã giành quyền vào tứ kết nội dung thuyền đơn hạng, một thành tích rất tốt của tay chèo quê Quảng Bình. Điều khích lệ cho Phạm Thị Huệ khi cô là 1 trong 2 tay chèo của Đông Nam Á giành quyền vào tứ kết nội dung này.
Trong khi đó, tính đến 12 giờ (17h giờ Việt Nam) ngày 28/7, Trịnh Thu Vinh là 1 trong 8 xạ thủ xuất sắc nhất thế giới bước vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Đây là lần dự Olympic đầu tiên của xạ thủ ngành Công An này. Vì thế thành tích lọt vào tốp 8 thế giới để có mặt tại chung kết đã là nỗ lực lớn, đáng được ghi nhận. Theo luật thi đấu, thành tích tại chung kết sẽ được tính từ đầu, không tính vòng loại như trước nên cơ hội cạnh tranh huy chương của 8 xạ thủ là như nhau.
Các xạ thủ cũng sẽ bị loại sau các loạt bắn trực tiếp cho tới khi tìm ra được những vận động viên xuất sắc nhất tranh chấp Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng. Sau các loạt bắn, Thu Vinh xếp ở vị trí thứ tư với 198,6 điểm, không thể vào loạt bắn tranh huy chương. Tuy nhiên với một xạ thủ lần đầu dự Olympic vị trí này là đáng để khen ngợi. Chỉ đáng tiếc là cô thiếu chút may mắn để có thể có được tấm huy chương quý giá cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Cần nhớ rằng trước khi lên ngôi vô địch Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh từng đứng thứ tư tại kỳ Olympic trước đó tại London, Anh. Thế nên thành tích này của Trịnh Thu Vinh là đáng để ghi nhận cho những nỗ lực của xạ thủ này và huấn luyện viên Park Chunggun.
Dưới sự kèm cặp của vị chuyên gia Hàn Quốc, Thu Vinh đã có những bước tiến quan trọng và thành tích đứng thứ tư thế giới cũng sẽ mở ra cho cô và Bắn súng Việt Nam nhiều hy vọng ở kỳ Olympic sau.
Trước đó, rạng sáng 27/7 (theo giờ Việt Nam), ngọn đuốc của Olympic 2024 đã được thắp lên, báo hiệu cho hơn 2 tuần tranh tài đầy gay cấn tại Thế vận hội mùa hè trên đất Pháp.
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 kéo dài gần 4 tiếng với tổng cộng 12 tiết mục được thiết kế liền như một vở ballet khổng lồ, quy tụ sự góp mặt của hàng nghìn vũ công biểu diễn trên các đoàn thuyền và những cây cầu bắc qua sông Seine. Phần trình diễn âm nhạc và nghệ thuật của nước chủ nhà mang đến ấn tượng đặc biệt.Sự kiện thu hút khoảng 300.000 người đến theo dõi trực tiếp và hơn 1 tỉ người xem qua truyền hình. Khán giả xem trực tiếp được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, 80 màn hình lớn đã xuất hiện ở xung quanh Paris để người hâm mộ theo dõi.
Năm nay, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Lễ Khai mạc Olympic (26/7) với 10 thành viên. Trong đó, 6 thành viên là vận động viên và 4 thành viên đoàn là Trưởng đoàn cùng các cán bộ, huấn luyện viên, chuyên gia. Tại Lễ Khai mạc, vận động viên Lê Đức Phát (Cầu lông) và Nguyễn Thị Thật (Xe đạp) là người cầm cờ của Đoàn Thể thao Việt Nam. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 gồm 39 thành viên (trong đó có 1 trưởng đoàn, 32 vận động viên, huấn luyện viên và chuyên gia, 2 bác sĩ, 4 cán bộ đoàn).
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam là Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt. 32 vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia được cử đi căn cứ vào số môn thể thao có suất tham gia kỳ Thế vận hội lần này gồm: Xe đạp, Bắn súng, Bắn cung, Judo, Cử tạ, Rowing, Canoeing, Boxing, Điền kinh, Bơi, Cầu lông.
Phương Bùi