Không phải là đơn vị chủ lực trong chiến dịch Pleime, tổ công tác của đại đội Công binh chỉ vỏn vẹn 9 người, với trang bị vũ khí hạng nhẹ, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn địch tiếp viện trong chiến dịch Pleime. Chiến thuật “vây đồn, diệt viện”đã làm nên những chiến công vang dội.
Những năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Trần Quang Vinh (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), người thương binh 3/4 với thành tích 7 lần được tặng danh hiệu dũng sỹ vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.
Một thời để nhớ
Sinh ra và lớn lên tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, cái nôi của cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, năm 1958, chàng thanh niên Trần Quang Vinh đi thoát ly, hoạt động ở địa phương, với cương vị là Kế toán Hợp tác xã và Y tá của xã. Tháng 2/1960, ông Vinh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ vào Tiểu đoàn Công binh 25, Quân khu 4, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Nhập ngũ được 1 năm, ông được bầu chọn là Chiến sĩ Thi đua và được cử đi học lớp Tiểu đội trưởng Công binh, sau đó một thời gian lại được tuyển chọn đi học Trường Sỹ quan Công binh, tại Bắc Ninh (3 năm). Kết thúc khóa học, về đơn vị, ông được kết nạp Đảng.
Đầu năm 1965, ông cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến trường. Sau 2 tháng hành quân dọc dãy Trường Sơn, trên vai đeo súng, gạo…, tới tháng 3/1965, đoàn mới vào tới Bắc Kon-Tum (Tây Nguyên). Tại đây, từ ngày 14/10 đến 26/11/1965, ông Vinh tham gia chiến đấu trận đầu tiên của Chiến dịch Pleime. Nhiệm vụ Đại đội Công binh do ông chỉ huy (khi ấy là Thiếu úy Đại đội phó) là ngăn chặn địch tiếp viện cho các đồn bị quân ta vây trong chiến dịch Pleime.
Là một sĩ quan chuyên ngành cầu đường, vượt sông, rà phá bom mìn, chất nổ, đơn vị ông mở đường quân sự, làm cầu gỗ, xẻ gỗ đóng thuyền ghép thành phà để chở xe, pháo vượt sông Pô Cô vào nam Tây Nguyên phục vụ chiến dịch đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột; phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh vây hãm quân địch ở các cứ điểm; đào hầm độn thổ đánh phục kích trên các trục đường giao thông huyết mạch như: Đường 19 (Quy Nhơn đi Plei Ku đi Đức Cơ), quốc lộ 14 Kon Tum đi Plei Ku và Buôn Ma Thuột), đường 18 (Kon Tum đi Tân Cảnh, Đắk Tô và Plây Cần); đã phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ – ngụy.
“Địch biết quân ta ở trong các khu rừng dọc biên giới nên đánh phá rất ác liệt, sử dụng nhiều bom đạn và chất độc hóa học để khai quang rừng núi. “Nhờ khí phách Điện Biên Phủ, chúng tôi thường xuyên ngủ hầm, mưa dầm đói khổ nhưng không nản chí quyết tâm chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, chúng tôi còn chiến đấu giúp Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Khơ me đỏ” – ông Vinh kể.
Hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ông Vinh đã phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi máy bay trực thăng của Mỹ ở phía Đông cao Điểm núi Ngọc Bờ Biêng và Ngọc Ring Rua, được phong tặng Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới. “Tiêu chuẩn Dũng sỹ là nếu bắn cháy được 1 xe tăng, hoặc đánh được 1 đoàn xe trong đó có xe tăng thì được công nhận. Bác Vinh đã 7 lần được tặng Dũng sỹ vì 7 lần dùng thủ pháo ném xe tăng và thành công” – thương binh Trần Quang Vinh nói.
Trong những lần diệt xe tăng của địch, ông Vinh nhớ nhất là trận phục kích địch trên tuyến đường từ Ban Mê Thuột vào phía Nam. Khi đó, ông là Đại đội trưởng Đại đội công binh B3 (Tây Nguyên). Dưới sự chỉ huy của ông, đơn vị đã diệt được 17 xe và toàn bộ đoàn vận tải. Trong trận đánh này, người dũng sĩ Trần Quang Vinh không may bị thương ở đầu khi địch bắn pháo cầm canh thăm dò, không may quả đạn rơi vào đội hình. “Tỉnh dậy, tôi thấy anh em đã đưa về Trạm xá nhưng lúc đó không ai muốn rời đơn vị nên tôi nhất định xin về đơn vị, vì sợ ở lại điều dưỡng họ sẽ đưa mình trở ra và không được chiến đấu, ở cạnh anh em…” – ông Vinh nhớ lại.
Nhớ lại những kỷ niệm, những sự việc đã trải qua, ông Vinh không bao giờ quên. Chiến trường Tây Nguyên lúc đó đầy khó khăn gian khổ: thiếu cơm, thiếu muối, thiếu thuốc chữa bệnh. Bộ đội hy sinh do sốt rét ác tính, phù thũng do thiếu chất không ít. “Tôi sốt rét kéo dài, hồng cầu còn 34 vạn, tưởng không thể qua khỏi. Nhờ từng giọt máu hiếm hoi san sẻ của y bác sĩ lúc đó mà tôi được cứu sống. Tôi đã 5 lần bị thương, có lần đạn xuyên thủng bụng, đứt ruột, phải măng xông nối lại nhờ bàn tay tài giỏi của y bác sĩ Bệnh viện 84 B3 (Tây Nguyên) cứu sống” – ông Vinh kể.
Ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Hiện nay, ông Vinh là thương binh ¾. Nhiều lần bị thương nhưng ông vẫn cùng đồng đội tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam giải phóng Cam-pu-chia và hành quân ra bảo vệ biên giới phía Bắc.
Năm 1975, sau 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên, 4 năm chiến đấu tại biên giới Tây Nam, ông nhận lệnh về giải phóng Sài Gòn. Lúc đó, ông là Đại uý, Chủ nhiệm Công binh Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Sư đoàn 10 là 1 trong những đơn vị chủ công đánh vào Sư đoàn 25-ngụy, tại Đồng Dù, Củ Chi, sau đó có nhiệm vụ vừa đi, vừa đánh để tiến vào giải phóng Sân bay Tân Sơn Nhất… Nhiệm vụ của đơn vị ông là làm công tác bảo đảm về công binh cho lực lượng của ta vượt sông; nếu địch phá hỏng các cầu trên trục đường tiến quân thì đơn vị có nhiệm vụ ghép phà, bắc cầu…
Hòa bình lập lại nhưng phải đến năm 1977, ông Vinh mới được về thăm gia đình. Với ông Vinh, so với đồng chí, đồng đội, những người đã ngã xuống, ông được trở về, hưởng tự do là hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều.
Sau này, ông được điều về công tác tại Ban Công binh, Mặt trận Tây Nguyên làm Trợ lý, phụ trách Trưởng ban huấn luyện công binh cho các Sư đoàn, sau đó học tại Học viện Hậu cần và về Bộ Quốc phòng với vai trò Thanh tra viên, Chánh Thanh tra hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kinh tế.
Hiện nay, vợ chồng ông Vinh vẫn tham gia các hoạt động xã hội. Vào các dịp lễ, Tết, người Đại tá “già” vẫn tham gia nói chuyện lịch sử với học sinh trên địa bàn. Ông bảo, thông qua câu chuyện của mình, các cháu học sinh có thể hiểu hơn về một thời khói lửa, về những hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông, từ đó có quyết tâm luyện rèn, trở thành người có ích cho xã hội.