Trả lời xét hỏi, các cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đều thừa nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội.
Sáng 23/7, phiên xét xử vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE.
Các cựu lãnh đạo HOSE bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Mở đầu phiên tòa, chủ tọa Vũ Quang Huy yêu cầu cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết để xét hỏi các bị cáo.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, sau khi chỉ đạo nâng khống vốn góp vào Công ty Faros, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (Công ty Faros).
Tiếp đó, các bị cáo lập kế hoạch cho Công ty Faros được niêm yết trên sàn HOSE. Ông Trần Đắc Sinh khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính các năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không đủ điều kiện và không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp. Tuy nhiên, do có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) từ trước, ông Sinh đã hỗ trợ để doanh nghiệp của Trịnh Văn Quyết được niêm yết.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE khai được nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros có vấn đề về kiểm toán và Ủy ban Kiểm toán đã “lưu ý cẩn trọng”. Tuy nhiên, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của HOSE, ông không có quyền quyết định việc niêm yết hay không.
Theo bị cáo Sinh, việc xét duyệt hồ sơ niêm yết là nhiệm vụ chuyên môn sâu thuộc Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết. Khi 2 đơn vị này đã xem xét và đề nghị cho Công ty Faros niêm yết, hồ sơ mới chuyển lên Hội đồng quản trị trong một cuộc họp giao ban tháng của năm 2016.
Tại cuộc họp, Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết bảo đủ điều kiện niêm yết dựa trên thủ tục. Còn Hội đồng quản trị HOSE chỉ nghe và thống nhất ý kiến, có chức năng kiểm tra, giám sát. bị cáo Sinh cho rằng, trong vụ án, trách nhiệm chính thuộc về người quyết định việc niêm yết là Tổng Giám đốc HOSE. Bị cáo cũng thừa nhận trước khi cổ phiếu ROS lên sàn khoảng 5 – 6 tháng, bị cáo đi công tác Quy Nhơn cùng Ban Kinh tế Trung ương và tại đây đã gặp bị cáo Trịnh Văn Quyết. Một thời gian sau, bị can Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc FLC, đang bỏ trốn) đến văn phòng HOSE, đề nghị bị cáo Sinh chỉ đạo cấp dưới “làm nhanh hồ sơ Faros” và bị cáo đồng ý. Bị cáo Sinh cho rằng, sai phạm trong vụ án là sai phạm có hệ thống.
Đến lượt mình trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Hải Trà khai có quen biết Trịnh Văn Quyết khi công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ trước năm 2006. Thời điểm đó ông Trà và ông Quyết thường chơi tennis với nhau.
Về hồ sơ Faros, bị cáo Trà khai quy trình niêm yết có 3 bước: Đầu tiên là Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiệp vụ. Sau đó, hồ sơ được đưa lên Hội đồng niêm yết để các thành viên cho ý kiến vào phiếu. Bước 3 là thư ký tổng hợp lại, trình Tổng Giám đốc quyết định.
Bị cáo Trà thừa nhận biết các vấn đề vướng mắc trong hồ sơ Faros vì đã được nêu trong Công văn 4298 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bị cáo khẳng định không chỉ đạo nhân viên thẩm định hồ sơ Faros phải làm nhanh, tạo điều kiện cho công ty này. Khi được hỏi về tội danh bị truy tố, bị cáo Trà cho biết bị cáo tôn trọng nội dung cáo trạng.
Cùng trả lời xét hỏi, bị cáo Trầm Tuấn Vũ (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE) và Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết) đều khẳng định bản thân không có kinh nghiệm làm việc. Khi được bị cáo Sinh và Tổng Giám đốc Trà “đôn đốc” đã làm nhanh hồ sơ để Faros được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Còn bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) trình bày, với báo cáo tài chính của Công ty Faros thời điểm đó, bị cáo thấy đảm bảo, không có quy định nào cho thấy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quyền từ chối. Hơn nữa, thời điểm đó, Công ty Faros từng có ý kiến về việc bị cáo gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc này đã gây sức ép cho bị cáo.
Về tội danh bị cáo buộc, bị cáo Điền cho biết, sau khi làm việc với cơ quan điều tra đã nhận thức được sai phạm của mình.
Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Điền là người đã ký Công văn số 4298 ngày 1/7/2016 chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu là 4.300 tỷ đồng, với 114 cổ đông trái pháp luật. Đồng thời đăng thông tin sai lệch này lên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để toàn thị trường chứng khoán biết, từ đó tạo điều kiện để bị cáo Trịnh Văn Quyết làm thủ tục niêm yết, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.