Ngày mai (17/7), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Với tỷ lệ cạnh tranh cao, trước thềm công bố điểm, nhiều thí sinh đã phải “cân não” tìm trường, tìm ngành khi chỉ lựa chọn xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Những tưởng có thể nghỉ ngơi, thư giãn, khoảng thời gian sau thi tốt nghiệp THPT lại là thời điểm căng thẳng nhất đối với em Dương Hoàng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội). Kể từ khi kỳ thi kết thúc, Hoàng Anh đã phải tìm kiếm thêm nhiều trường, nhiều ngành vì dự kiến điểm thi của bản thân khó có thể đỗ được nguyện vọng mình mong muốn.
“Đợt thi vừa rồi, em nhận thấy kết quả của bản thân không được tốt cho lắm. Năm nay em chỉ xét tuyển bằng điểm thi, nên thời gian này em phải tìm thêm các trường khác phù hợp hơn” , Hoàng Anh chia sẻ.
Trái ngược với Hoàng Anh, kết quả dự kiến của em Nguyễn Thu Trà (Hà Đông, Hà Nội) tương đối khả quan. Tuy nhiên, em vẫn phải tìm kiếm thêm những nguyện vọng khác dự phòng bởi kỳ thi năm nay, Trà cũng chỉ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
“Em nhận thấy kết quả kỳ thi vừa rồi của em khá ổn, nhưng chỉ ở mức bình thường, không quá cao. Em nghĩ mình vẫn phải có thêm các nguyện vọng dự phòng vì em chỉ xét nguyện vọng 1 bằng điểm thi nên chưa có gì chắc chắn” , Trà cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều bạn thí sinh khi chỉ xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
Nhiều thí sinh cảm thấy áp lực nặng nề khi phải xem xét hàng loạt nguyện vọng để tìm kiếm lựa chọn phù hợp với điểm thi.
Một số bạn cũng đã chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các bình luận, bài đăng trên các hội nhóm tư vấn tuyển sinh nhằm để chọn nguyện vọng phù hợp với mức điểm thi của bản thân.
Là phụ huynh có con chuẩn bị vào đại học năm nay, chị Nguyễn Hồng Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ để xét tuyển vào các trường đại học bằng điểm tốt nghiệp rất khó, nên ngay từ đầu, tôi và con cũng xác định sẽ ưu tiên các phương thức xét tuyển sớm như IELTS, học bạ hơn”.
Có thể thấy, phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT từ lâu đã là một trong những lựa chọn phổ biến cho thí sinh bước vào cánh cửa các trường đại học. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, phương thức này ngày càng khó cạnh tranh hơn so với các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ hoặc xét kết hợp IELTS,…
Đơn cử, năm nay, Trường Đại học Thương mại dành 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi THPT, 60% còn lại là cho các phương thức khác.
Con số chênh lệch này còn lớn hơn trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với 18% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm tốt nghiệp, 80% là các phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng.
Với việc chỉ dành ít chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nên điểm chuẩn của các trường ở mức tương đối cao.
Năm 2023, điểm chuẩn của Đại học Kinh tế Quốc dân dao động trong khoảng 26 – 27 điểm, điểm các ngành top đầu của Trường Đại học Thương mại cũng nằm trong tầm 25 – 27 điểm. Đây là mức điểm tương đối cao với các bạn thí sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay cả nước có đến 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Số lượng thí sinh tăng cũng khiến cho tình hình cạnh tranh trở nên gay gắt hơn và do vậy cơ hội cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng khó khăn hơn.
Trước tình hình này, không ít phụ huynh, học sinh thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Hoàng Anh chia sẻ thêm: “Em cảm thấy vô cùng căng thẳng bởi vì chỉ xét tuyển đại học bằng điểm thi. Không trong khu vực ưu tiên nên em cũng không có thêm các điểm cộng ưu tiên theo khu vực”.
Có thể thấy rằng, dù trước hay sau kỳ thi tốt nghiệp, cuộc chiến tìm trường, tìm ngành vẫn hết sức căng thẳng, nhất là với các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Thiết nghĩ, trước những băn khoăn, lo lắng của các thí sinh, các trường đại học cũng cần phải có những biện pháp để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Thí sinh băn khoăn tìm ngành, tìm trường trong mùa tuyển sinh năm nay có thể đến với “Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2024” diễn ra đồng thời tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 7h30 ngày 20/7.
Đây sẽ là cơ hội tốt để các thí sinh, phụ huynh nhờ ban tư vấn giải đáp chuyên sâu, gỡ bỏ những phân vân, lo lắng về cách sắp xếp nguyện vọng, sự lúng túng khi chọn ngành nghề… từ đó tự đưa ra những quyết định phù hợp nhất.
Ngày hội ở Hà Nội diễn ra tại Đại học Bách khoa (quận Hai Bà Trưng); còn tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa (268 Lý Thường Kiệt, Quận 10).
Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương Binh và Xã hội) tổ chức.
Tại ngày hội, có các chuyên gia tư vấn uy tín, nhiều năm kinh nghiệm đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học lớn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh… sẽ giải đáp cặn kẽ mọi thắc mắc của thí sinh và phụ huynh trong những ngày cuối cùng trước khi kết thúc đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển.
Gia Linh