Giữa một loạt khủng hoảng chính trị ở lục địa già, giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách bảo vệ Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) khi ngày càng nhiều mối lo ngại về viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Hướng tới 4 điều “hơn nữa”
Từ ngày 9 đến 11-7, NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham dự của lãnh đạo 32 nước thành viên. Chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào sức mạnh của khối thông qua đoàn kết tập thể.
Tại sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức hồi tháng 4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh đang “lớn mạnh và thống nhất hơn bao giờ hết”. Là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định NATO đang ở trạng thái đoàn kết nhất từ trước tới nay.
Theo các nhà quân sự, NATO trong hơn 2 năm qua đã tăng chi tiêu quốc phòng, củng cố năng lực phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực; hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát; chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp các đồng minh mới, từ đó mở rộng NATO về phía Ðông và đến gần Nga hơn. Không dừng lại, lãnh đạo các nước thành viên đang hướng tới 4 điều “hơn nữa”. Ðó là tài chính nhiều hơn, sức mạnh chiến đấu lớn hơn, năng lực đa dạng hơn và mở rộng hợp tác hơn.
Với những mục tiêu trên, hội nghị ở Washington chính là dịp để NATO tiếp tục đặt ra những tham vọng chiến lược mới. Trước thềm sự kiện, Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết hội nghị sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính. Ðầu tiên là nhiệm vụ cốt lõi tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh. Kế tiếp là hỗ trợ Ukraine, vốn được coi là nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay. Sau cùng là thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu của NATO.
Bên lề hội nghị, NATO sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với các đối tác khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trong khuôn khổ này, các bên dự kiến tìm cách giải quyết vấn đề an ninh mạng, đối phó thông tin sai lệch, viện trợ cho Ukraine cũng như mối quan tâm đối với Nga và Trung Quốc.
Bất ổn chính trị đe dọa tương lai
Theo giới chuyên môn, kế hoạch tăng cường phòng thủ và răn đe của NATO là sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng đằng sau hậu trường, hãng tin AP cho biết chủ đề chính khác đang được quan tâm là kế hoạch chuẩn bị cho nguy cơ bị chia rẽ khi sức mạnh của lực lượng cực hữu không thân thiện với NATO đang gia tăng trên khắp lục địa.
Chẳng hạn như ở Ðức, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz vốn rạn nứt do nhiều vấn đề, nay chịu thêm áp lực từ thất bại của đảng Xã hội trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng rồi. Trong khi đó ở Pháp, quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron suy yếu nghiêm trọng sau khi đảng cực hữu và các đồng minh giành chiến thắng lịch sử trong vòng 1 cuộc bầu cử quốc hội. Tuy liên minh cánh tả có màn lội ngược dòng trong vòng 2, nhưng kết quả này đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực vào tình trạng “quốc hội treo” hỗn loạn. Cùng với bất ổn ở châu Âu, kết quả không mong đợi sau màn tranh luận giữa Tổng thống Biden trước ông Trump gần đây khiến giới chức NATO thêm bất an. Nếu trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông Trump được dự báo sẽ cố gắng ngừng hợp tác trong một số hoặc tất cả nhiệm vụ của NATO. Viễn cảnh này gây tổn hại nặng nề cho liên minh và làm tê liệt nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến
với Nga.
Ngay cả trước khi cuộc tranh luận diễn ra, chính phủ nhiều nước châu Âu đã tham vấn sâu rộng về những gì họ có thể làm để đảm bảo sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine và an ninh của từng quốc gia NATO được duy trì nếu ông Trump thắng cử. Theo Trung tâm Nghiên cứu Phương Ðông có trụ sở tại Ba Lan, kịch bản Mỹ ít đáng tin cậy hơn dưới thời ông Trump đang dẫn tới nhiều cuộc thảo luận về tương lai châu Âu sắm vai trò quan trọng hơn, thậm chí thay thế Mỹ trong năng lực răn đe hạt nhân của NATO. Ngay cả như vậy, xét điều kiện ngân sách quân sự và nền kinh tế nhỏ hơn của những nước châu Âu, giới chuyên môn dự đoán sẽ phải mất nhiều năm nữa NATO mới có thể lấp lỗ hổng do Mỹ để lại.
Mai Quyên (Theo AP, Politico)