Cùng với việc mức lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng được điều chỉnh tăng 15%. Đây là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm ổn định đời sống. Dự kiến sẽ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu mới. Tổng số tiền tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm 2024 hơn 16.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thâu (66 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vui mừng khi được tăng lương đến hai lần trong hai năm qua và chia sẻ: “Từ ngày 1/7/2023, tôi đã được tăng lương hưu 12,5%. Bây giờ lại được tăng tiếp 15% khiến tôi rất vui”. Hiện ông nhận lương hưu gần 5 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7, sau khi lương hưu tăng 15%, tổng số tiền ông Thâu nhận được khoảng 5,7 triệu đồng/tháng. “Khoản lương hưu tăng thêm giúp người già như chúng tôi có thêm chi phí thuốc thang và chi tiêu hàng ngày. Mỗi khi khám chữa bệnh, ngoài phần được bảo hiểm y tế chi trả, nhiều loại thuốc, chi phí bên ngoài người khám bệnh phải trả nên tăng lương hưu sẽ giúp tôi có thêm tiền mua loại thuốc tốt hơn” – ông Thâu chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, người dân, DN, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này bảo đảm công bằng, hài hòa, hợp lý. Là một việc làm nhân văn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với đời sống của người dân và bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động khi hết tuổi lao động. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu”.
Việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Có thể nói, lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động đảm bảo cuộc sống khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản. Cùng với đó, người lao động có thêm thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Mức hưởng lương hưu cũng định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Do đó, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá, điều này giúp trang trải những chi phí đảm bảo cuộc sống.
Nguyễn Đăng