“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Những lời ca trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao vang lên như “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội những năm tháng ấy.
Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến những năm tháng chiến tranh, trước và sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 luôn là niềm cảm hứng sáng tác bất tận của rất nhiều nhạc sĩ. Rất nhiều ca khúc đã đi vào tâm thức và trở thành một phần không thể thiếu vắng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội. Trong số đó phải kể tới “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Hà Nội yêu dấu” của Hoàng Cầm, “Hà Nội giải phóng” của thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Văn Quỳ, “Về Thủ đô” của Tô Vũ, “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, “Đêm trăng nhớ Hà Nội” của Nguyễn Đức Toàn…
Điều đặc biệt ở ca khúc “Tiến về Hà Nội” là ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1949, trước ngày Giải phóng Thủ đô đến 5 năm. Sự ra đời của ca khúc này như một lời tiên tri đầy ý nghĩa. Mỗi câu từ, nhịp điệu vang lên rất chân thực, sống động như được bước ra ngay trong hàng ngũ những người lính đang tiến về Hà Nội những ngày tháng Mười ấy. Nhạc sĩ Văn Cao đã gửi gắm trọn vẹn niềm khát khao cháy bỏng, niềm hy vọng lớn lao của hàng triệu con tim vào từng câu, từng lời, từng giai điệu. Những câu từ ấy có sức mạnh tiếp thêm ngọn lửa đấu tranh sục sôi trong lòng quân và dân ta thêm vững tin và đoàn kết chiến đấu để chờ tới ngày đoàn tụ, yên vui. Ta nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, tự hào giữa cả rừng cờ hoa chào đón.
Và rất nhiều những ca khúc khác ra đời trước trong và sau thời điểm Thủ đô ngày giải phóng, câu từ đều chan chứa cảm xúc, như nói hộ tiếng lòng của những người lính vừa trải qua chiến tranh đầy đau thương mất mát và nay đã chạm tay vào niềm vui chiến thắng.
Dù không có mặt tại thời điểm đó, vào khoảnh khắc đó nhưng khi những câu từ mang âm hưởng hùng tráng, đầy khí thế, sôi nổi của những khúc này vang lên, tôi hình dung và cảm nhận được những bước chân mạnh mẽ, hùng hồn của đoàn quân giải phóng, tôi cảm nhận được không khí hào hùng, hân hoan của dòng người hai bên đường, niềm tự hào, hạnh phúc trong nụ cười chiến thắng của người dân Hà Nội và cả nước. Mọi thứ hiện ra trước mắt chính là khung cảnh hùng tráng và không khí rộn rã, tưng bừng trong ngày giải phóng.
70 năm sau, giai điệu những ca khúc về Hà Nội, về giải phóng Thủ đô lại vang lên khắp nẻo đường Hà Nội, trên mỗi chiếc loa phường mỗi ngã ba, ngã tư; trên căn gác nhỏ của người cựu chiến binh; trong ngày hội toàn dân ở mỗi tổ dân phố, trong lời ca của người ca sĩ trẻ vang lên trên sân khấu lớn; trong lời ca của cô cậu sinh viên. Vẫn không khí ấy, sống động và đầy tự hào, kiêu hãnh. Niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc trong mỗi trái tim mỗi thế hệ vẫn luôn vẹn nguyên và càng trào dâng cảm xúc biết ơn vô hạn với thế hệ cha ông đi trước.
Chiến tranh đã lùi xa trong ký ức nhưng những bản nhạc bất hủ mang đậm dấu ấn của lịch sử, của Hà Nội vẫn sống mãi với thời gian và con người Việt Nam. Để rồi, mỗi tháng Mười đến, lại thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.