Mưa lớn xối xả kéo theo lở đất tại Ấn Độ và Bangladesh đã khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người khác phải vật lộn đối phó với nước lũ trong khi tình hình vẫn tiếp tục xấu đi.
Ngày 19/6, nhà chức trách Ấn Độ cho biết tình hình lũ lụt tại bang Assam, Đông Bắc nước này, tiếp tục xấu đi và đã có 31 người thiệt mạng.
Theo cảnh sát, đêm 18/6, mưa lớn kéo theo lở đất đã khiến 5 người thiệt mạng ở khu vực Badarpur, huyện Karrimganj, cách thành phố Guwahati, thủ phủ bang Assam 281km về phía Đông Nam.
Cơ quan quản lý thảm họa bang Assam (ASDMA) cho biết lũ lụt đã ảnh hưởng đến 161.209 người tại 15 huyện. Huyện Karimganj bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 152.133 người đang phải vật lộn đối phó với nước lũ. Hơn 1 triệu ha cây trồng cũng bị ảnh hưởng.
Chính quyền địa phương đã dựng 43 trạm cứu hộ và các trung tâm phân phát hàng hóa tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hiện công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn do mưa lũ.
Cùng ngày, nhà chức trách Bangladesh cho biết mưa xối xả ở Bangladesh gây lở đất đã chôn vùi ít nhất 9 người, buộc hàng nghìn người phải sơ tán đến nơi cao hơn.
Các trường học đã được trưng dụng thành nơi lánh nạn cho những người sơ tán do nước sông dâng cao, trong khi hơn 1 triệu người bị mắc kẹt ở các khu vực miền Bắc. Thống kê cho thấy ít nhất 700.000 người bị mắc kẹt do mưa lũ ở huyện Sylhet, trong khi con số này ở huyện Sunamganj là 500.000 người.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu mưa và nước sông tiếp tục dâng, tình hình sẽ xấu đi như năm 2022. Trận lũ năm 2022 tại Sylhet đã khiến hàng triệu người bị mắc kẹt và khoảng 100 người thiệt mạng.
Bangladesh – quốc gia với khoảng 170 triệu dân, nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tại thủ đô Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận đêm 18/6 là đêm nóng nhất trong ít nhất 14 năm, với nhiệt độ tối thiểu là 35,2 độ C, cao hơn 8 độ so với bình thường. Đêm nóng nhất trước đó ở Delhi được ghi nhận vào ngày 3/6/2010, với nhiệt độ tối thiểu là 34,7 độ C.
Một quan chức IMD dẫn tài liệu ghi chép của đài thiên văn chuẩn Safdarjung ở Delhi được phân tích từ năm 1969 cho rằng “nhiệt độ tối thiểu trong tháng 6 ở Delhi nói trên đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hiện Delhi đang trong tình trạng cảnh báo cam do các điều kiện sóng nhiệt hiện hành”.
Nhiệt độ trong thành phố luôn duy trì trên 40 độ C kể từ ngày 12/5 tới nay. Trong 36 ngày này, thành phố ghi nhận 16 ngày nhiệt độ đạt hoặc vượt 45 độ C.
Trước thực trạng này, các bệnh viện ở Delhi đã chứng kiến số ca tử vong do say nắng tăng đột biến khi đợt nắng nóng tàn khốc tiếp tục càn quét thủ đô. Trong hai ngày qua, bệnh viện RML đã tiếp nhận 22 bệnh nhân, trong đó đã có 5 trường hợp tử vong và 13 bệnh nhân đang được hỗ trợ máy thở. Bệnh viện Safdarjung tiếp nhận 42 bệnh nhân, trong đó có 2 người tử vong. Cũng trong 2 ngày qua, giới chức Bệnh viện LNJP cho biết 4 bệnh nhân đã tử vong do nghi ngờ say nắng.
Cũng do tình trạng nắng nóng, ngày 19/6, thủ đô Delhi đã ghi nhận mức sử dụng điện cao nhất mọi thời đại là 8.656 MW, vượt qua mức kỷ lục 8.647 MW của một ngày trước đó. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên ở toàn bộ miền Bắc Ấn Độ, dẫn tới tình trạng ngắt điện ở nhiều nơi, trong khi điều kiện quá tải cũng khiến các tổ máy thủy điện bị gián đoạn hoạt động.
Trước thực trạng này, Liên đoàn Kỹ sư Điện toàn Ấn Độ (AIPEF) đã gửi thư ngỏ “yêu cầu (chính quyền) Trung ương tuyên bố đợt nắng nóng hiện nay là một thảm họa tự nhiên như lũ lụt, lốc xoáy… và thực hiện các biện pháp ngắn hạn và trung hạn để giải quyết tình hình”. AIPEF đề xuất: thời gian làm việc của văn phòng nên thay đổi từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều; tất cả các cơ sở thương mại nên đóng cửa tối đa trước 7 giờ tối. Nội dung thư cũng nêu rõ rằng cần có những hạn chế về tải trọng vào giờ cao điểm đối với ngành điện.
Vĩnh Hải