Quy chế của Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 quy định không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài, mục đích hướng tới khuyến khích các đơn vị nghệ thuật sẽ tập trung xây dựng những tác phẩm chất lượng cao mang hơi thở cuộc sống đương đại. BTC mong muốn các đơn vị nghệ thuật kịch nói phát huy ưu thế là thể loại mũi nhọn của sân khấu, xây dựng các tác phẩm chính luận, đi thẳng vào những vấn đề thời sự của đời sống hiện tại.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 đang diễn ra sôi nổi tại TP Thái Nguyên với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập đủ điều kiện tham gia. Liên hoan diễn ra từ ngày 11/6 đến ngày 26/6 với 23 vở diễn hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả yêu kịch những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, quy chế Liên hoan gây tranh luận trái chiều vì quy định “Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp) được phép tham gia liên hoan”. Quy định này khiến người yêu sân khấu kịch rất băn khoăn đặt câu hỏi: Thứ nhất, tại sao lại chọn mốc thời gian là năm 2005. Thứ hai, tại sao lại không sử dụng kịch bản của nước ngoài. Thứ ba, như thế nào là chỉnh lý cho phù hợp hiện tại?
Chia sẻ với chúng tôi, NSND Trần Ly Ly- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết: Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 là hoạt động thường niên, được tổ chức 3 năm 1 lần. Mỗi một lần tổ chức, Ban Tổ chức sẽ ban hành một bộ Quy chế gồm Quy chế Tổ chức và Quy chế chấm, xét giải. Các Quy chế đều được xây dựng kế thừa từ các Liên hoan lần trước, trong đó sẽ có những đánh giá, rút kinh nghiệm và nếu thấy cần thiết sẽ có sự điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với thực tế.
Quy chế tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 cũng được xây dựng trên tinh thần đó. Trong đó quy định “không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài” đã có trong nội dung của Quy chế Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Mục đích hướng tới khuyến khích các đơn vị nghệ thuật sẽ tập trung xây dựng những tác phẩm chất lượng cao mang hơi thở cuộc sống đương đại. Chúng tôi mong muốn các đơn vị nghệ thuật kịch nói phát huy ưu thế là thể loại mũi nhọn của sân khấu, xây dựng các tác phẩm chính luận, đi thẳng vào những vấn đề thời sự của đời sống hiện tại.
Lý giải về việc sử dụng mốc thời gian 2005 để làm căn cứ, theo NSND Trần Ly Ly cho biết: “Việc sử dụng mốc thời gian năm 2005 để làm căn cứ các đơn vị nghệ thuật lựa chọn tác phẩm tham gia bởi nó là năm đánh dấu sự ra đời của Công ước 2005 do Đại hội đồng UNESCO bỏ phiếu thông qua. Công ước này có hiệu lực đã trở thành cảm hứng và cơ sở pháp lý để ban hành quy định pháp luật, chính sách nhằm bảo vệ và phát huy sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa”, bà Ly cho biết.
Sự xuất hiện hai tác phẩm được tác giả kịch bản văn học sáng tác trước năm 2005 đó là “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Sân khấu Việt Nữ) và “Đêm trắng” (Nhà hát kịch Việt Nam), theo NSND Trần Ly Ly, hai vở diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt” và “Đêm trắng” tham gia tại Liên hoan, đơn vị nghệ thuật đều đã có biên bản xác nhận của tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả nộp lại cho Ban Tổ chức theo đúng quy định và 2 vở này đủ điều kiện để tham gia Liên hoan.
“Ban Tổ chức chấp nhận hai vở diễn này bởi các vấn đề đặt ra trong kịch bản chưa hề cũ và các đơn vị này khi tiến hành dàn dựng đã có sự chỉnh lý, bồi đắp để kịch bản không bị lạc hậu, phù hợp với cách nói, cách tư duy của cuộc sống hiện đại. Quy chế đặt ra từ việc dàn dựng kịch bản của các tác giả trong nước cũng không nằm ngoài mong muốn đội ngũ tác giả cũng như lực lượng làm nghệ thuật xông xáo vào những mảng đề tài thời sự, những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hôm nay”- NSND Trần Ly Ly chia sẻ.
Về quy định “diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia liên hoan phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân”, NSND Trần Ly Ly khẳng định cũng không nằm ngoài mục đích động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho những nghệ sĩ yêu nghề, thường xuyên có hoạt động chuyên môn.
“Sự gắn bó, ổn định của diễn viên trong các đơn vị cũng đã tạo nên thương hiệu của đơn vị đó, tránh tình trạng vay mượn nghệ sĩ chỉ để đi dự thi lấy giải, lấy huy chương.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức cho đối tượng là các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân. Quy định này chúng tôi vẫn kế thừa quy chế năm 2021. Hơn nữa, với đối tượng sinh viên ở các trường văn hoá nghệ thuật, họ đã có sân chơi riêng như hội thi tài năng học sinh, sinh viên tại cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật toàn quốc do Bộ VHTTDL thường xuyên tổ chức nhiều năm qua”, NSND Trần Ly Ly thông tin.
Theo Quyền Cục trưởng Cục NTBD, sau mỗi lần tổ chức liên hoan nghệ thuật, ban tổ chức luôn mong nhận được những ý kiến đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông, nhà sáng tạo cũng như từ nghệ sĩ trực tiếp tham gia để rút những kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp ở các kỳ tổ chức sau.
Thậm chí, trong quá trình tổ chức liên hoan có thể xảy ra những rủi ro hoặc sự cố ngoài ý muốn. Căn cứ tình hình thực tế, ban tổ chức cũng sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, quyết định, điều chỉnh cho phù hợp./.
Hồng Hà