(Chinhphu.vn) – Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 6% (so với cùng kỳ) trong 5 tháng đầu năm, đây là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
Khó khăn bủa vây ngành thủy sản
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các sản phẩm chính, mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm lần lượt 1% và 3%.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%. Nhóm mặt hàng cua ghẹ tăng trưởng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong top 5 thị trường hàng đầu của thủy sản Việt Nam, Mỹ là thị trường có sự tăng trưởng tích cực nhất với mức tăng 7% trong 4 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP đánh giá ngoài những vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, tình hình nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ dịch bệnh dẫn đến hiệu quả nuôi kém.
Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cũng nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Với ngành tôm, các thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan.
Chẳng hạn, tôm thẻ chân trắng cỡ 70 con/kg tại đầm của Việt Nam trong năm nay đang cao hơn khoảng 15.000 – 20.000 đ/kg so với tôm cùng cỡ của Thái Lan, cao hơn 20.000 – 30.000 đ/kg so với tôm Ấn Độ và cao hơn 30.0000 – 35.000 đ/kg so với tôm Ecuador.
Thách thức với ngành cá tra là giá xuất khẩu vẫn đang thấp, thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, thị trường Trung Quốc không ổn định, còn thị trường Hoa Kỳ là những lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 20. Trong khi đó, “thẻ vàng” IUU vẫn đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp hải sản.
Xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.
Nhiều cơ hội được mở ra
VASEP đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 6% trong 5 tháng đầu năm là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỷ USD; cá tra đạt 910 triệu USD; cá ngừ đạt 457 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt 294 triệu USD; cua ghẹ đạt 119 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ đạt gần 74 triệu USD.
Những cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản được lãnh đạo VASEP nhìn nhận vẫn còn khá tích cực. Đặc biệt cơ hội này thể hiện khá rõ ở ngành tôm. Trước hết, tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ… Tôm Ấn Độ thì đang đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân…
Một lợi thế lớn khác của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.
Còn theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, tỉnh Đồng Tháp, do sản lượng cá tra nguyên liệu không tăng trong khi nhu cầu tăng nên giá sẽ tăng. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam hiện nay bắt đầu mua các sản phẩm giá trị cao.
Ông Văn dự kiến từ nay đến cuối năm, giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng 5-10%. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không nên vội vàng ký các hợp xuất khẩu giá thấp, mà cần bình tĩnh theo dõi sát tình hình thị trường để bán được với giá tốt hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Đỗ Hương