Quảng Ninh đã có hơn 10 năm xây dựng NTM với rất nhiều những quyết sách thiết thực dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này tạo ra những vùng quê tươi đẹp, những ruộng vườn trù phú, những nông dân hiện đại. Đây là tiền đề để Quảng Ninh hình thành và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp.
Khu du lịch nông nghiệp đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); Cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi, Thiên đường hoa Quảng La (TP Hạ Long; Khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, Khu du lịch làng quê Yên Đức (TP Đông Triều); Khu sinh thái gia đình tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên); Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu); Công ty Ngọc trai Hạ Long, trải nghiệm hái cam ở Vạn Yên (huyện Vân Đồn)… là những điểm sáng du lịch nông nghiệp của Quảng Ninh thời gian qua.
Xã Quảng Long (huyện Hải Hà) hiện có trên 400ha chè. Cây chè có mặt ở đây gần 50 năm. Những đồi chè liền dải nối tiếp nhau tạo nên cảnh sắc rất đặc biệt. Phát huy ưu thế này, những chủ đồi chè Quảng Long làm đường, dựng chòi, xây góc check-in để du khách nhìn ngắm, chụp ảnh và thưởng thức trà. Gần đây, ngày hội ẩm thực trà đã được Quảng Long triển khai với nhiều hoạt động hấp dẫn, như workshop trà hoa và cuộc sống, hướng dẫn cách pha trà, thưởng trà, trải nghiệm cắm hoa và hái trà, trưng bày giới thiệu các sản phẩm trà…, tạo nên sức hút của vùng trà đối với du khách.
Thiên đường hoa Quảng La (TP Hạ Long) gần đây trở lại với hình ảnh rực rỡ sắc màu của hoa, không gian rộng 25ha xanh mát cùng với vườn cây ăn quả rộng hàng chục ha. Du khách đến đây được tham gia vào chương trình trải nghiệm nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn quả, vườn hoa, trang trại nông nghiệp, trải nghiệm làm nông dân (trực tiếp gieo hạt, trồng cây, thu hái nông sản, đóng gói sản phẩm…).
Một mô hình du lịch nông nghiệp khác gần đây thu hút du khách tham quan (đặc biệt là các gia đình) là Khu sinh thái gia đình xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên). Mô hình này hướng đến các hoạt động trải nghiệm một ngày làm nông dân, được tự tay mò cua, bắt ốc, câu cá, được thả mình vào không gian bình dị của ruộng đồng, ao cá, đầm sen…
Quảng Ninh hiện có trên 400 sản phẩm OCOP, đa số trong đó là nông sản, phát triển thành sản phẩm du lịch. Ngọc trai Hạ Long là một ví dụ. Sản phẩm này đã được công nhận 5 sao quốc gia, có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường trang sức trong và ngoài nước. Du khách đến Quảng Ninh vừa để mua sản phẩm về sử dụng, vừa là có cơ hội nhìn ngắm thỏa thích những viên ngọc trai thành phẩm tinh xảo, quý giá, trực tiếp trải nghiệm quy trình làm ra viên ngọc trai, tìm hiểu về câu chuyện, về tình yêu của những người nghệ nhân Hạ Long dành cho viên ngọc trai trên vùng Vịnh nổi tiếng. Các sản phẩm như cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn), hoa Đồng Trà (TP Hạ Long), lúa (TX Đông Triều), củ cải (huyện Đầm Hà), miến dong (huyện Bình Liêu)… giờ đây đóng vai trò vừa là sản phẩm nông nghiệp, vừa là sản phẩm du lịch.
Ngày càng nhiều địa phương trong tỉnh tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển du lịch. Huyện Bình Liêu hiện là trọng điểm du lịch bản địa. Năm 2023 huyện đón trên 150.000 lượt du khách; năm 2024 phấn đấu đón trên 250.000 lượt du khách. Cơ sở đạt mục tiêu là những chân ruộng bậc thang tuyệt đẹp, hoa sở tinh khôi, làng nghề miến dong truyền thống… tiền đề của những lễ hội mùa vàng, lễ hội hoa sở được huyện tổ chức hằng năm. Bình Liêu còn có những vườn dâu, vườn cam, vườn hoa đón chào du khách, góp phần tạo sức hút du lịch của vùng đất này. Đến Vườn hoa Cao Sơn, du khách được tham quan các khu ươm giống, tìm hiểu về quy trình trồng hoa, trải nghiệm cắt hoa lan vũ nữ, hoa đồng tiền; được mặc bộ trang phục các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, chụp hình bên những khóm hoa; nghỉ ngơi trong những farmstay…
Trong xu thế con người ngày càng muốn hòa mình vào thiên nhiên, muốn trở về những mảng ký ức mà ở đó công việc đồng áng, những sản phẩm cây trái ruộng vườn gắn bó thân thuộc, thì mô hình du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng được phát triển, trở thành thế mạnh của du lịch Quảng Ninh.