(Chinhphu.vn) – Ông Lê Quang Long, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết thông tin trên khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội.
Theo ông Lê Quang Long, hiện nay, TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đang thu hút trên 700 dự án đầu tư với 302 dự án FDI, số vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có vốn đầu tư Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư (trên 4 tỷ USD) hoạt động chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí, chế tạo,..với 1 số doanh nghiệp lớn như: Canon, Yamaha, Meiko, Hoya… các doanh nghiệp đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Đối với KCN Thăng Long, hiện nay có trên 100 dự án đầu tư Nhật Bản với số vốn đăng ký khoảng 2,7 tỷ USD; các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại KCN Thăng Long hoạt động ổn định, trong đó có nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư nay đã mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo nhiều công công ăn việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định.
Doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt trên 3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu: 2,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu: 2 tỷ USD; nộp ngân sách: 102 triệu USD; số lao động sử dụng khoảng 59.000 người. Thu nhập bình quân người lao động khoảng 7,2 triệu đồng/tháng.
Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội cho biết, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các KCN Hà Nội nói chung và thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói riêng, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác cải cách TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giải quyết TTHC. Đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội đã thực hiện cải cách TTHC đối với hầu hết các lĩnh vực, TTHC như thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp giấy phép xây dựng, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,…
Hầu hết các TTHC đều được cắt giảm thời gian giải quyết (3-5 ngày); xử lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục hành chính. Trong đó, một số dự án đầu tư đã được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 24 giờ như dự án của Nhà đầu tư Nhật Bản (Công ty CP Onaga chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội).
Việc giải quyết TTHC của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO (TCVN ISO 9001:2015) từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khi lưu trữ, bảo quản hồ sơ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao lòng tin của doanh nghiệp khi đầu tư tại các KCN Hà Nội.
Đồng thời, Ban quản lý cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp để phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đầu tư, giám sát đầu tư, pháp luật về an toàn lao động, PCCC, bảo vệ môi trường; thông qua hoạt động tập huấn, các doanh nghiệp đã nắm bắt và thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ông Lê Quang Long cho biết, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thường xuyên phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và du lịch của TP. Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thành phố với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú như: Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, bên cạnh đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các KCN của Hà Nội.
Chia sẻ về kỳ vọng đối với chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18/12, ông Lê Quang Long cho rằng, đây là chuyến thăm có ý nghĩ quan trọng trong bối cảnh hiện nay; là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hơn nữa về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới”.
Theo ông Lê Quang Long, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản để tiếp tục thu hút nguồn vốn đến từ Nhật Bản là điều cần thiết.
Ông Lê Quang Long hy vọng sẽ có những khẳng định mạnh mẽ hơn nữa về việc Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các TTHC trong lĩnh vực đất đai, thuế; ban hành các chính sách về thu ưu đãi đầu tư cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút các dự án lớn, dự án có hàm lượng công nghệ cao; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, có tay nghề cao, thành thạo về ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Đồng thời mong muốn chuyến thăm sẽ chuyển tải thông tin tới các nhà đầu tư Nhật Bản về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đi đôi với công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển mạng lưới điện, nước,…tăng cường hơn nữa niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản về các chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố tháng trước của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, 88% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng doanh thu tại Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai.
Minh Anh